Hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc: Không ngừng phát triển mạnh mẽ; Nghị quyết số 57-NQ/TƯ: Lối ra cho các viện nghiên cứu công lập; Giải tỏa những mối lo quanh việc quy đổi điểm trúng tuyển đại học; Bảo đảm an ninh mạng trong giai đoạn mới: Cần nhiều biện pháp ứng phó… là những thông tin đáng chú ý trên báo in Hànộimới số ra ngày 15-4-2025.
Hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc: Không ngừng phát triển mạnh mẽ
Quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc liên tục tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt là trong hơn một thập kỷ vừa qua.
Trong bài viết đăng trên Báo Nhân Dân (Việt Nam) và Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chia sẻ quan điểm rằng, Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng hữu nghị, chia sẻ lợi ích chiến lược rộng rãi, nhấn mạnh trong suốt 75 năm qua, hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển luôn là dòng chảy chính trong quan hệ song phương.
Cũng trong bài viết trên Nhân dân Nhật báo, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, sự phát triển ổn định, bền vững lâu dài của quan hệ hữu nghị hợp tác Việt - Trung là lợi ích căn bản, lâu dài, là nguyện vọng thiết tha từ bao đời của hai dân tộc về hòa bình và hữu nghị, có ý nghĩa hệ trọng đối với sự nghiệp cách mạng ở mỗi nước, thuận theo xu thế lớn của thời đại là hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển thịnh vượng.
Cùng quan điểm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung - Việt có ý nghĩa chiến lược, phù hợp với lợi ích chung của hai nước, có lợi cho hòa bình ổn định và phát triển phồn vinh của khu vực và thế giới, là sự lựa chọn của lịch sử và sự lựa chọn của nhân dân.
Nghị quyết số 57-NQ/TƯ: Lối ra cho các viện nghiên cứu công lập
Bài 1: Lay lắt trong cảnh “sống mòn”
Vốn được nuôi bằng “bầu sữa” ngân sách, việc chuyển sang cơ chế tự chủ, tự trang trải kinh phí đã đặt ra nhiều thách thức cho các viện nghiên cứu công lập trong bối cảnh kinh tế thị trường.
“Không dễ để tự chủ, nhất là khả năng tự chủ của các viện nghiên cứu khoa học cơ bản, đặc biệt là ngành khoa học xã hội và nhân văn” - đó là nhận xét của nhiều nhà khoa học.
“Ba yếu tố tự chủ là tự chủ nhiệm vụ, tự chủ tài chính, tự chủ tổ chức vẫn chưa tháo gỡ được. Điều này dẫn đến một môi trường tài chính giằng chéo, thậm chí anh em phải (nghĩ cách) đối phó”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến thông tin.
Giải tỏa những mối lo quanh việc quy đổi điểm trúng tuyển đại học
Theo ghi nhận từ các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội, nhiều thí sinh còn băn khoăn chưa biết các kết quả thi riêng như đánh giá năng lực, đánh giá tư duy… của các cơ sở đào tạo sẽ được quy đổi thế nào so với điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Một số học sinh lo lắng, liệu rằng việc quy đổi có khiến các em bị bất lợi khi tham gia theo một phương thức nào đó hay không?
Giải đáp mối lo này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khẳng định, Bộ sẽ hướng dẫn các cơ sở đào tạo lựa chọn phương pháp phân tích dữ liệu phù hợp nhất để đưa ra quy tắc quy đổi đơn giản, công bằng, vì vậy thí sinh hoàn toàn yên tâm.
Bảo đảm an ninh mạng trong giai đoạn mới: Cần nhiều biện pháp ứng phó
Bên cạnh những mặt tích cực, không gian mạng đặt ra những nguy cơ, thách thức đối với công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Đáng chú ý, trong năm 2024, tội phạm mạng tấn công ransomware gây thiệt hại cho các cơ quan, tổ chức khoảng 11 triệu USD; 14,5 triệu tài khoản bị rò rỉ; 10 Terabyte dữ liệu bị rao bán trên không gian mạng. Trong đó, khối tài chính - ngân hàng là lĩnh vực bị nhắm tới nhiều nhất, chiếm tới 71% số cuộc tấn công mạng và chịu thiệt hại nhiều nhất.
Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, Nghị quyết số 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đòi hỏi công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng, ứng phó với tội phạm sử dụng công nghệ cao phải được thực thi hiệu quả.
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025): Khát vọng vươn mình từ vùng đất phương Nam
Bài cuối: Khẳng định vị thế về văn hóa, khoa học, giáo dục
Thành phố Hồ Chí Minh với bề dày lịch sử và truyền thống năng động, sáng tạo, đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu và khẳng định vị thế là một trong những trung tâm văn hóa, khoa học công nghệ và giáo dục hàng đầu của cả nước.
Về phát triển khoa học công nghệ trong thời gian tới, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đình Thắng cho hay, thành phố tập trung đầu tư và đào tạo vào các ngành ưu tiên, như: Công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ vật liệu và tự động hóa, vi mạch, bán dẫn, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ năng lượng tái tạo và bền vững...
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy chia sẻ, thành phố đã chứng tỏ vai trò là một trong những trung tâm văn hóa, khoa học công nghệ và giáo dục hàng đầu tại Việt Nam và đang bước trên con đường hội nhập quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.