(HNM) - Trong vài ngày tới, Bộ GD-ĐT mới công bố mức điểm sàn của kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 nhưng các chuyên gia cho rằng mức điểm này sẽ khó có sự thay đổi đáng kể so với năm ngoái.
Thấy gì qua điểm thi?
Trong số các thí sinh thi ĐH đã có thủ khoa 30 điểm ở ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, ĐH Y Hà Nội có thủ khoa đạt 29,75 điểm. Năm nay, Trường chuyên Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) có tới 9 học sinh là thủ khoa, trong đó có em Nguyễn Thảo Ngọc là một trong hai thủ khoa khối D của ĐH Ngoại thương, đạt 28 điểm, đồng thời là thủ khoa Học viện Quan hệ quốc tế (khối A1) với 27 điểm. Đây là "thủ khoa kép" duy nhất ở kỳ thi ĐH năm nay.
Điểm thi của các thí sinh khối ngành xã hội năm nay nhìn chung cao hơn năm trước.Ảnh: Viết Thành
Kỳ thi năm nay ghi nhận vị trí dẫn đầu của Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh về số lượng thí sinh có mặt trong top 100 thí sinh đạt tổng điểm ba môn thi cao nhất (34 người), tiếp đến là Trường ĐH Dược Hà Nội và ĐH Y Hà Nội. Khối B có nhiều thí sinh trong danh sách này nhất, tới 68%, vượt trội so với tỷ lệ 48% của năm 2011. Tuy nhiên, năm nay chỉ có 12 thí sinh CĐ có mặt trong top 100, thấp hơn rất nhiều so với con số 33 người ở kỳ thi năm trước. Một cán bộ đào tạo khối ngành y dược cho rằng điều đó cho thấy sức ép thi cử đã giảm bớt, ít nhất là với các thí sinh "đỉnh" bởi các em không còn nặng gánh tâm lý phải thi thêm một trường CĐ nào đó để phòng xa. Bên cạnh khối ngành y - dược, khối ngành kinh tế vẫn thu hút nhiều thí sinh xuất sắc. Danh sách của top 100 nói trên có 13 thí sinh của Trường ĐH Ngoại thương.
Sự phân hóa về điểm thi giữa các trường ngày càng được thể hiện rõ. Trong khi nhiều trường tốp trên tin rằng điểm chuẩn có thể nhích lên thì các trường nhóm dưới hầu như chỉ tuyển thí sinh với mức điểm sàn. Trường ĐH Chu Văn An chỉ có 12/1.353 thí sinh dự thi vào trường đạt từ 13 điểm trở lên trong khi chỉ tiêu của trường là 1.700. Thông tin từ Trường ĐH Hải Phòng cho thấy nếu lấy điểm chuẩn bằng mức điểm sàn năm 2011 thì chỉ có chưa tới 10% thí sinh trúng tuyển vào trường. Sự phân hóa rõ ràng tốp trên, tốp dưới này, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho thấy, "Thí sinh đã biết chọn trường để thi đúng với năng lực của mình chứ không chọn tràn lan như những năm trước".
Sự khả quan ở khối ngành xã hội
Các chuyên gia tuyển sinh đang chú ý tới những dấu hiệu tích cực ở khối ngành xã hội. Mặc dù số lượng thí sinh bị điểm 0 môn sử vẫn còn quá nhiều, đặt ra dấu hỏi lớn về chất lượng dạy - học các môn xã hội trong trường phổ thông cũng như việc thi cử hiện nay, song theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga thì quá trình khảo sát điểm thi cho thấy khối C năm nay có điểm tốt hơn năm trước rất nhiều, số bài thi môn sử, địa có điểm trung bình từ 5 trở lên cũng nhiều hơn. Riêng số liệu từ ĐH Cần Thơ cho thấy điểm thi môn sử năm 2011 từ 5 trở lên chỉ có 2,7% trong khi thống kê năm nay là trên 16%.
Trường ĐH Văn hóa Hà Nội cho biết điểm thi khối C, D của trường năm nay cao hơn năm trước một chút, số thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên là hơn 1.500, trong khi đó chỉ tiêu tuyển sinh ĐH là 1.100. Với mặt bằng khả quan này, dự kiến điểm chuẩn sẽ tăng hơn năm trước. Nói là phấn khởi bởi năm ngoái, ngoại trừ ngành quản lý văn hóa có điểm chuẩn khá cao thì các ngành còn lại của trường hầu như chỉ lấy bằng điểm sàn hoặc hơn chút ít.
Trường ĐH Hà Nội cũng khẳng định chất lượng bài thi của thí sinh thi vào trường năm nay tốt hơn năm 2011. Dự kiến điểm chuẩn các ngành công nghệ thông tin, ngôn ngữ Nhật Bản, ngôn ngữ Trung Quốc có thể tăng từ 1-2 điểm.
Các trường cho rằng việc mở rộng khối thi để mở rộng nguồn tuyển là một trong các lý do khiến chất lượng thí sinh tăng lên thông qua điểm chuẩn. Trường ĐH Luật Hà Nội năm nay có thêm ngành đào tạo mới là Luật kinh tế quốc tế, thi khối A, C và D1, dự kiến điểm chuẩn cao hơn năm trước đáng kể. Cụ thể, khối A lấy 18 điểm, cao hơn năm trước 0,5 điểm; khối C lấy 21,5 điểm, cao hơn 1,5 điểm; khối D lấy 20 điểm, cao hơn tới 2 điểm.
Trừ một số ngành vốn khó tuyển từ nhiều năm nay, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận định điểm chuẩn nhìn chung sẽ nhích lên. Một thành viên hội đồng tuyển sinh của nhà trường nhận xét: Số thí sinh các khối không phải là khối C, khối D ngày càng tăng lên. Điều này chứng tỏ nhu cầu và sự quan tâm của xã hội, của thí sinh đối với các ngành khoa học xã hội và nhân văn mà trước đây chúng ta chưa tính đến. Ví dụ như khối A, năm 2010, lần đầu tiên sau 10 năm quay lại tuyển, có 172 hồ sơ đăng kí dự thi, năm 2012 này có 664 hồ sơ. Còn thí sinh khối D năm nay tăng hơn hai lần. Vừa qua, lần đầu tiên nhà trường tuyển sinh khối B cho ngành tâm lý học, tuyển khối A cho ngành báo chí và ngôn ngữ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.