(HNM) - Tại hội nghị giữa kỳ Nhóm Tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 2011, nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, Nghị quyết 11 của Chính phủ là một kế hoạch đáng tin cậy, có khả năng đối phó tốt với sự bất ổn kinh tế.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam nhận định: Chúng ta đã thấy những thay đổi đáng kể trong chính sách tỷ giá. Tình trạng 2 tỷ giá đã cơ bản chấm dứt, mục tiêu tín dụng cũng đã được siết chặt. Việc triển khai Nghị quyết 11 đã có bước khởi đầu tốt, đặc biệt là chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, những nội dung khác như chính sách tài khóa, hay chính sách liên quan đến cấu trúc lại nền kinh tế cũng cần được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa để bảo đảm thành công…
Nhận định trên hoàn toàn có cơ sở. Nếu như trước ngày 11-2, tỷ giá USD tự do và USD trong ngân hàng luôn có một khoảng chênh lệch lớn thì hiện nay đã đảo chiều. Thị trường USD "chợ đen" một thời rộn rã đã rơi vào trạng thái trầm lắng và phải bám đuổi tỷ giá ngân hàng, trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ khá dồi dào... Sự chuyển biến tích cực này là hệ quả của hàng loạt giải pháp kiểm soát thị trường ngoại hối như chuyển sang cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt theo thị trường, kèm theo các biện pháp hành chính của cơ quan quản lý…
Chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã và đang đưa thị trường ngoại hối vào quy củ. Và đây là một thành công đáng ghi nhận. Sẽ là lạc quan nếu nói VND đang lên giá, nhưng chắc chắn tỷ giá VND/USD đang ổn định theo hướng giảm dần. Tuy nhiên, những tín hiệu này mới chỉ là một khoảng sáng trong bức tranh kinh tế rộng lớn với nhiều gam màu và còn phải đối mặt với không ít khó khăn.
Trong ngắn hạn, không hẳn cứ thắt chặt tiền tệ, vấn đề là phải nắn được dòng tiền, hướng nó vào khu vực sản xuất và những khu vực tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho xã hội. Việc thắt chặt tiền tệ, nhiều khi làm cho quá trình quay vòng (tiền - vật tư, thiết bị - hàng) bị gián đoạn, khiến cho việc mất cân đối tiền - hằng ngày càng trầm trọng hơn. Và cốt lõi đằng sau câu chuyện quan hệ tiền - hàng là tình trạng nhập siêu và lạm phát. Lạm phát tăng cao khiến chi phí đầu vào của doanh nghiệp trong nước tăng theo, sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước so với hàng nhập, bài toán nhập siêu lúc này càng khó giải quyết.
Cũng có ý kiến cho rằng chính sách tài khóa thắt chặt cùng với việc cắt giảm đầu tư công, chi thường xuyên mới là nguyên nhân sâu xa của mọi vấn đề. Về đầu tư công, quan trọng không phải là cắt giảm và cắt giảm bao nhiêu, vấn đề là cắt giảm đúng - dự án không thực sự hiệu quả, chưa thực sự cần thiết. Và việc này phải bắt đầu từ khâu rà soát, thẩm định dự án. Trong dài hạn, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, theo hướng từng bước nâng cao năng suất lao động, tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong giá trị sản phẩm đầu ra cần phải nhanh chóng được thực hiện.
Bức tranh kinh tế Việt Nam đã bớt dần những gam màu tối. Các giải pháp mà Nghị quyết 11 của Chính phủ đề ra đã tạo ra những bước chuyển tích cực, giải quyết nhiều vấn đề bức xúc, ổn định vĩ mô, từng bước làm lành mạnh hóa nền kinh tế; giá cả có xu hướng tăng chậm lại, thu chi ngân sách nhà nước bảo đảm các nhu cầu chi và trả nợ của Chính phủ… Tuy nhiên, phía trước vẫn còn nhiều bài toán cần sớm được giải quyết để nền kinh tế Việt Nam thật sự phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.