(HNM) - Những năm qua, việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ (ngày 22-11-2014) của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” trên địa bàn thành phố Hà Nội đã mang lại những kết quả hết sức tích cực, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Và, với sự góp sức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc cũng như các đoàn thể địa phương, tín dụng chính sách xã hội đã thật sự trở thành nguồn vốn giảm nghèo, nguồn vốn phát triển.
Thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách
Chị Lê Thị Phương, xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) nói với chúng tôi: "Nhà 6 người lớn, nhỏ chỉ trông vào mấy sào ruộng, cái đói cứ đeo đẳng mãi, đến năm 2016 chạy vạy được ít tiền đi học nghề may, nhưng có nghề mà không có vốn nên thu nhập chẳng hơn là mấy. Năm 2017, tôi vay 30 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Oai, đầu tư mua 4 máy khâu, mở xưởng may quần áo gia công tại nhà. Thu nhập khấm khá dần, tôi thuê thêm 7 nhân công, trả lương từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng/tháng, giờ đây, trừ hết chi phí, mỗi năm, xưởng may cho lãi 100 triệu đồng... Với xưởng may nhỏ đó, cuối năm 2018, gia đình tôi đã thoát nghèo".
Chị Nguyễn Thị Lan Phương, thị trấn Thường Tín (huyện Thường Tín) quanh năm loay hoay với cây lúa, vườn rau và cái nghèo cứ bám chặt. Năm 2016, chị vay 40 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thường Tín để đầu tư trồng nấm. Từ nguồn vốn đó, cộng với sự cần cù, chịu khó, đến nay gia đình chị Phương đã sở hữu trang trại trồng nấm rộng 1.200m2, với sản lượng 3,6 tấn/tháng. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng lãi khoảng 30 triệu đồng... Những câu chuyện như vậy có rất nhiều ở các vùng ngoại thành Hà Nội.
Chia sẻ về hiệu quả của những đồng vốn tuy nhỏ nhưng rất kịp thời này, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Sóc Sơn Vương Nguyên Minh cho biết: Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thường xuyên phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc nhận ủy thác triển khai nguồn vốn chính sách. Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ, toàn huyện có 26.960 hộ nghèo, gia đình chính sách được vay vốn từ nguồn này và đã có 7.184 hộ thoát nghèo.
Nguồn vốn chính sách đã giúp hàng trăm nghìn hộ dân ở các huyện của Hà Nội vươn lên thoát nghèo. Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Kim Phung cho biết: 5 năm, thông qua 17 chương trình tín dụng chính sách, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã giải ngân hơn 13.200 tỷ đồng cho hơn 487 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, tổng dư nợ đến hết tháng 6-2019 đạt 7.913 tỷ đồng với hơn 289 nghìn khách hàng đang vay vốn, tăng 3.192 tỷ đồng so với trước khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ.
Cũng theo ông Nguyễn Kim Phung, một trong những nội dung quan trọng của Chỉ thị số 40-CT/TƯ là việc chuyển vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Theo đó, trong 5 năm qua, nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển bổ sung sang Ngân hàng Chính sách xã hội là 1.805 tỷ đồng, tăng gấp 1,6 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị.
Triển khai các giải pháp đồng bộ
Hiệu quả từ việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ đã được cụ thể hóa bằng những mô hình phát triển kinh tế tại các địa phương cũng như số hộ dân sử dụng nguồn vốn này để vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, việc triển khai Chỉ thị số 40-CT/TƯ trên thực tế vẫn còn một số vướng mắc cần tháo gỡ.
Ông Đỗ Văn Liệu ở thôn Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín) dẫn chứng: Trước đây, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình đã mở xưởng sơn mài, vươn lên thoát nghèo. “Đến nay, tôi muốn vay thêm 300 triệu đồng để mở rộng nhà xưởng nhưng vì vướng quy định về hạn mức nên Ngân hàng Chính sách xã hội không đáp ứng mức vay này. Vì vậy, tôi phải vay ngân hàng thương mại với lãi suất cao” - ông Liệu cho biết.
Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Kim Phung nhận định: Khó khăn và thách thức lớn nhất với Hà Nội hiện nay là vấn đề cân đối nguồn lực tài chính để đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là nhu cầu vốn vay giải quyết việc làm và vay để mua, thuê mua, xây mới, sửa chữa nhà ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, thành phố đã rất quan tâm, tạo điều kiện bổ sung nguồn vốn, tuy nhiên nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách trên địa bàn Hà Nội rất lớn nên nguồn lực để thực hiện tín dụng chưa đáp ứng được nhu cầu.
Cùng với đó, thời hạn thực hiện cho vay chương trình hộ mới thoát nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ sẽ kết thúc giải ngân vào năm 2020, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn vốn cho vay với những hộ chưa thực sự thoát nghèo bền vững, dẫn đến nguy cơ tái nghèo cao.
Để tháo gỡ khó khăn và phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách cho hộ nghèo, theo ông Nguyễn Kim Phung, hằng năm HĐND, UBND các cấp cần dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương đưa vào dự toán chi ngay từ đầu năm để chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội bổ sung nguồn vốn ủy thác cho vay, đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần chống tái nghèo, bảo đảm thoát nghèo bền vững.
Cũng về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết: Trong thời gian tới, huyện chủ động tổ chức huy động vốn theo kế hoạch đã giao nhằm đáp ứng nhu cầu giải ngân các chương trình tín dụng, giải quyết nguồn vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay phát triển sản xuất.
Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy, nguồn lực tài chính dành cho tín dụng chính sách xã hội cần tiếp tục được tập trung tăng cường theo hướng nâng dần tỷ trọng tại địa phương, nhất nguồn lực của các quận, huyện, thị xã.
Mặt khác là việc xem xét, nghiên cứu tiếp tục thực hiện chương trình cho vay với hộ mới thoát nghèo khi hết thời hạn quy định (31-12-2020). Đồng thời kéo dài thời gian được thụ hưởng chính sách tín dụng với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo…
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách tín dụng cho vay đối với hộ nghèo, đối tượng chính sách ở vùng nông thôn đã, đang và sẽ phát huy hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.