Theo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương), nhiều quảng cáo “có cánh” về thị trường bất động sản chứa thông tin sai lệch, phóng đại tiện ích, cam kết lợi nhuận ảo, dễ khiến người tiêu dùng sập bẫy.
Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) vừa phát đi khuyến cáo, thị trường bất động sản Việt Nam đang phát triển mạnh, trở thành một trong những lĩnh vực thu hút dòng vốn lớn. Tuy nhiên, cùng với đó là sự bùng nổ của quảng cáo bất động sản trên mọi kênh, từ biển quảng cáo, mạng xã hội, livestream đến video review, Google Ads, Facebook Ads...
Một trong những nguyên nhân khiến người tiêu dùng dễ bị cuốn vào "ma trận" quảng cáo là cách thức truyền thông ngày càng tinh vi. Những câu giới thiệu dự án thường nhấn mạnh vào yếu tố cảm xúc, đánh vào tâm lý "sở hữu ngay - hưởng thụ liền" hoặc "đầu tư sinh lời siêu tốc"…
Điều đáng lo ngại là nhiều quảng cáo chứa thông tin sai lệch, phóng đại tiện ích, cam kết lợi nhuận phi thực tế, khiến người tiêu dùng dễ rơi vào "bẫy" kỳ vọng. Khi phát hiện sự khác biệt giữa quảng cáo và hợp đồng, nhiều người đã mất hàng trăm triệu đồng tiền đặt cọc mà không thể đòi lại.
Một trong những hình thức quảng cáo sai lệch phổ biến hiện nay là đưa ra thông tin về các tiện ích không có thực trong dự án.
Điều này dẫn đến chênh lệch giữa những gì được quảng bá và nội dung ràng buộc pháp lý, khiến người mua cảm thấy bị lừa dối khi nhận ra các tiện ích không hiện diện trong thực tế.
Mặt khác, cùng một dự án, người mua có thể nhận được hàng chục thông tin khác nhau, tùy thuộc vào môi giới hay đại lý tiếp cận.
Hành vi này không chỉ làm mất niềm tin của người tiêu dùng mà còn kéo theo hậu quả pháp lý cho các chủ đầu tư. Các khiếu nại về việc không nhận được tiện ích như quảng cáo có thể ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp, giảm khả năng bán hàng và dẫn đến bị xử phạt theo quy định.
Ngoài ra, việc thông tin không chính xác có thể khiến người tiêu dùng không thể yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các cam kết đã đưa ra trong quảng cáo.
Trước thực trạng trên, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia khuyến cáo người tiêu dùng không nên tin tuyệt đối vào hình ảnh phối cảnh hoặc lời hứa miệng.
Đồng thời, người mua nên giao dịch trực tiếp với chủ đầu tư hoặc đại lý được ủy quyền chính thức, có hợp đồng phân phối rõ ràng và thông tin pháp lý đầy đủ, cần hạn chế việc giao dịch qua cá nhân môi giới không có giấy ủy quyền hợp pháp, nhằm tránh rủi ro nếu xảy ra tranh chấp.
Khi nghi ngờ về tính xác thực của đơn vị phân phối, người tiêu dùng nên kiểm tra danh sách đại lý chính thức trên website của chủ đầu tư hoặc liên hệ trực tiếp qua số điện thoại hỗ trợ.
Bên cạnh việc lựa chọn kênh giao dịch uy tín, người tiêu dùng nên đề nghị cung cấp thông tin chi tiết và rõ ràng về các tiện ích, dịch vụ của dự án, đồng thời đảm bảo những thông tin này được ghi đầy đủ trong hợp đồng mua bán.
Trước khi đặt cọc hoặc ký hợp đồng, người mua nên yêu cầu bản dự thảo hợp đồng để xem xét kỹ lưỡng từng điều khoản, đặc biệt là các điều khoản liên quan đến tiện ích, dịch vụ và cam kết từ phía chủ đầu tư. Nếu có bất kỳ điểm nào mơ hồ, cần yêu cầu làm rõ trước khi quyết định ký kết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.