(HNMCT) - Tiếng Việt quen thuộc từ thuở bé thơ nhưng khi lớn lên, không phải người Việt nào cũng... hiểu tiếng Việt. Có những từ chúng ta sử dụng theo thói quen mà không hiểu hết nghĩa, không hiểu đúng nghĩa. Có những từ đã sử dụng từ xa xưa, nhưng năm tháng trôi qua đã làm phai dần nghĩa ban đầu, xuất hiện thêm nghĩa mới của từ. Lại có những từ trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao được truyền miệng từ đời này qua đời khác nên xuất hiện nhiều dị bản. Vậy phải hiểu thế nào cho đúng, phải tìm hiểu, giải thích ra sao? Đó là câu hỏi đưa tác giả Lê Minh Quốc đến với bộ sách “Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt” (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh).
Không phải là công trình lý thuyết về nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ, bộ sách “Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt” được nhà văn, nhà thơ Lê Minh Quốc viết từ những suy ngẫm, trải nghiệm qua thực tế cũng như qua các nguồn từ điển, sách vở. Bộ sách là kiến thức mà ông tích lũy được trong suốt bốn mươi năm làm nghề viết của mình để nay chia sẻ với bạn đọc. Nhưng ông cũng “bật mí”: Đây là bộ sách chưa thể kết thúc. Ông sẽ còn tiếp tục viết bởi còn quá nhiều đề tài thú vị và tiếng Việt lại vô cùng phong phú, phong cách dùng từ cũng đa tầng, đa nghĩa biến chuyển theo không gian và thời gian. Với ông, chữ Quốc ngữ đã trở thành máu thịt thiêng liêng của mỗi con dân nước Việt. Từng con chữ không chỉ có xác, mà còn có hồn - hồn của một dân tộc ẩn hiện trong đó: “Hồn nước nằm trong hồn tiếng Việt/ Tiếng ta tự tại tới trường tồn”.
Yêu tiếng Việt, ông đưa bạn đọc trải nghiệm ngôn ngữ sinh động và thú vị qua những lát cắt văn hóa Việt. Khi thì ông giải nghĩa thêm về những tập tục ngày lễ, Tết trong “Ăn Tết với nhau, rủ nhau đụng lợn”, “Nhìn bếp, thấy... ông Táo”, “Bái, vái, xá, lạy”..., lúc lại tìm về những điển tích hay truy nguyên câu chuyện trong “Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”, “I cụt, y dài, y cà lết, y cờ rết”, “Nấu sử xôi kinh hay sôi kinh?”, “Vân vân và mây mây”... Khi thì ông cho bạn đọc thưởng thức nghệ thuật như “Xem chèo, qua... hề chèo”, “Xem tuồng đồ, nghĩ về đồ”, “Bàn phiếm về hát bội, nhưng...”, “Nghe vọng cổ hài”, “Cười trước... cánh gà”..., lúc đưa đi “Chơi ngẳng”, “Chơi hô lô tô”, “Dí dỏm như hô bài chòi”, “Chơi trống quân, lan man ca trù”, “Từ chơi phây đến chơi ba que xỏ lá”... Ông khiến bạn đọc mê mải trong ngôn ngữ ẩm thực với “Ngẫu hứng cùng nghệ thuật ăn”, “Ăn từ... tiếng rao”, “Ăn từ... trang sách”; “Có oản em tình phụ xôi”, “Nhai cơm nhớ phở, ngậm ngùi nhơi cơm”, “Rượu hồng đào trút nhào vô nhạo”, “Từ trà phe đến bia bọt”, “Trâu giật, lợn mẹt, gà mâm”... Ông cũng không quên “điểm danh” nhiều cách “chơi” ngôn ngữ của dân ta như “Đố nhau để... cười”, “Nói vống, nói tức nghe... tức cười”, “Chém gió méo mó tiếng Việt”, “Khi người Việt cười qua hò đối đáp”, “Biến bi thành hài”, “Vài lối cười của thơ Việt”...
Hiện bộ sách “Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt” được chia thành ba tập với tên gọi từng tập đầy lý thú: “Chơi chữ chanh chua chan chát chữ”, “Lưỡi lươn lẹo lẹ làng lắt léo”, “Dích dắc dặt dìu dư dí dỏm”. Với Lê Minh Quốc, bộ sách chỉ là lối “Đánh trống qua cửa nhà sấm” mà động lực duy nhất để ông hoàn thành được chính là tình yêu máu thịt dành cho tiếng Việt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.