(HNMO) - Dự án giãn dân phố cổ khu vực quận Hoàn Kiếm, Hà Nội được nhen nhóm từ tháng 12/1998 đến nay đã ngót 12 năm nhưng vẫn dừng ở bước… chưa xây dựng xong đề án.
Thực tế giãn dân phố cổ là một chủ trương tốt, đúng đắn của TP Hà Nội nhằm cải thiện chất lượng đời sống cho nhân dân, giảm mật độ dân số sống trong phố cổ, có điều kiện để bảo tồn giá trị văn hóa lịch sử của khu phố cổ… Tuy nhiên để hiện thực chủ trương này không phải đơn giản và một sớm một chiều mà được.
Cần phải di dời khoảng 1800 hộ dân phố cổ trong đợt I
Trong những năm qua, TP Hà Nội đã xác định việc “giãn dân phố cổ là vấn đề mang tính xã hội cao và rất phức tạp, đòi hỏi phải nghiên cứu một cách toàn diện, chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo và phải có bước đi thích hợp, khả thi và hiệu quả” (Thông báo số 100/TB-VP ngày 28/8/2001 của UBND TP Hà Nội). Có thể thấy, sự thành công của dự án giãn dân phố cổ phụ thuộc rất nhiều vào sự đồng thuận của các hộ dân. Chính vì vậy, trước khi tiến hành lập dự án Giãn dân phố cổ, UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm phải tiến hành thăm dò, khảo sát kỹ lưỡng nguyện vọng của người dân, đánh giá sự đồng thuận của người dân với việc giãn dân phố cổ đồng thời đề xuất một số cơ chế chính sách đặc thù làm cơ sở lập dự án.
Phố Hàng Mã. Ảnh minh họa từ internet |
Theo đó, UBND quận Hoàn Kiếm đã bắt tay vào việc xây dựng đề án Giãn dân phố cổ giai đoạn I nhằm di dời khoảng 1800 hộ ra khỏi khu vực phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm đến Khu giãn dân thuộc Khu đô thị mới Việt Hưng, nhằm giảm áp lực dân số đang sống quá tải, bức bối, chật chội tại các khu phổ cổ của quận.
Số lượng và đối tượng giãn dân đợt I được đơn vị tư vấn xác định trên cơ sở kết quả khảo sát 953 hộ dân đang sinh sống tại các di tích, công sở, trường học, trong công trình có nguy cơ sụp đổ, khu vực cần phải giải phóng mặt bằng… và các hộ dân đồng ý tự nguyện di chuyển sang khu đô thị mới Việt Hưng.
Như vậy, nếu di chuyển được khoảng 1800 hộ dân ra khỏi khu phố cổ, mật độ dân số ở quận Hoàn Kiếm sẽ giảm từ 65.000 người/100ha, xuống còn trên 45.000 người/100ha.
Cần tiếp tục hoàn thiện đề án Giãn dân phố cổ
Chiều 5/5, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã chủ trì cuộc họp cùng với các sở, ngành, UBND quận Hoàn Kiếm, Ban quản lý phố cổ nghe báo cáo về đề án Giãn dân phố cổ, điều chỉnh quy hoạch, và các cơ chế chính sách đề xuất để thực hiện được việc giãn dân phố cổ.
Theo đơn vị tư vấn, sau khu quy hoạch chi tiết 1/2000 khu đô thị mới Việt Hưng được phê duyệt, khu đất dành cho dự án giãn dân phố cổ được Sở Quy hoạch Kiến trúc xác định tại văn bản số 162/QHKT-P2 ngày 26/1/2005 gồm 14 ô đất có diện tích khoảng 22,73ha. Tuy nhiên sau khi xây dựng xong hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu giãn dân, trên cơ sở thực tế, UBND quận Hoàn Kiếm và Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đã thống nhất xác định được khu đất dành cho dự án giãn dân chỉ có diện tích khoảng 11,12 ha gồm 7 ô đất, trong đó 5 ô đất dành để xây chung cư cao tầng và 2 ô đất để xây nhà biệt thự. Theo đơn vị tư vấn cần điều chỉnh 2 ô đất xây nhà biệt thự sang xây dựng nhà thấp tầng để tăng số căn hộ lên, đáp ứng được cho nhiều hộ dân. Toàn bộ khu giãn dân ở Việt Hưng này sẽ có khoảng 1800 căn hộ, với quy mô từ 60- 80m…
Sau khi nghe đơn vị tư vấn báo cáo, nhiều đại biểu từ các sở, ngành của thành phố cho rằng đề án còn quá sơ lược, chưa khảo sát phân tích sâu để có thể thực hiện được ngay. Theo ý kiến của Sở Xây dựng, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật của khu đô thị mới Việt Hưng chỉ đáp ứng cho khoảng 4.000 dân, nếu đón thêm dân từ khu phố cổ sang sẽ thành 6.500 dân, gây quá tải lên hạ tầng kỹ thuật. Thành phố cần bố trí thêm địa điểm khu giãn dân ngoài Khu đô thị mới Việt Hưng. Ý kiến từ Viện quy hoạch Hà Nội cũng cho rằng trong đề án còn chưa đề cập đến việc xây dựng thêm các vườn hoa, sân chơi, tiện ích công cộng cho người dân… để có thể hoàn thiện được khu đô thị dành cho việc giãn dân này. Bên cạnh đó, ý kiến của Sở Tài chính cũng đề xuất, trong đề án nên xác định việc mua, bán, thuê nhà khi chuyển đổi trong quá trình giãn dân thực hiện theo cơ chế nhà ở xã hội; việc xây dựng các công trình phúc lợi cho người dân không thể hoàn toàn kêu gọi xã hội hóa vì người dân tái định cư ở đây đa phần là dân nghèo, cần sự đầu tư của thành phố…
Kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi cũng cho rằng việc xây dựng đề án Giãn dân phố cổ của UBND quận Hoàn Kiếm chưa đạt yêu cầu, nên sẽ phải lùi thêm thời gian báo cáo đề án này ra Thành ủy Hà Nội khoảng hơn 1 tuần nữa.
Phó Chủ tịch yêu cầu việc xây dựng đề án phải gắn với quy hoạch chung Hà Nội giai đoạn 2030, tầm nhìn 2050 đang được xây dựng. Đề án phải nêu rõ sự cần thiết của giãn dân, mục tiêu, phạm vi thực hiện, điều tra khảo sát nhu cầu đến từng hộ, cơ chế chính sách để thực hiện cho việc di chuyển. Hiện với quy hoạch 11,2 ha dành cho việc xây dựng nhà phục vụ cho việc giãn dân ở Khu đô thị mới Việt Hưng cần tính toán cụ thể xem sẽ xây dựng được bao nhiêu m2 sàn, bao nhiêu m2/người, để nếu thiếu thì đề xuất thành phố bố trí tiếp khu vực xây dựng nhà giãn dân khác.
Phó Chủ tịch cũng gợi ý việc chọn nhà đầu tư thực hiện hoặc thông qua đấu thầu sẽ linh hoạt, không cứng nhắc; phân kỳ tiến độ đầu tư khớp nối với việc đầu tư xây dựng nhà ở Khu đô thị Việt Hưng. Phó Chủ tịch cũng lưu ý đơn vị tư vấn, Ban quản lý phố cổ, UBND quận Hoàn Kiếm cần xin ý kiến các sở, ngành chức năng của thành phố để đề án sớm hoàn thiện, trình Thành ủy thông qua.
Có thể nói việc xây dựng đề án Giãn dân phố cổ Hà Nội đến nay lại bị chậm thêm một nhịp, tuy nhiên TP Hà Nội vẫn bình tĩnh chỉnh lý, bổ sung tiếp. Âu đó cũng là sự cẩn thận cần thiết, vì “dục tốc bất đạt”, một quyết định lớn nhằm cải thiện đời sống người dân phố cổ cần thực hiện chu đáo và mang lại hiệu quả thiết thực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.