Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm hướng phát triển văn học thiếu nhi

Diên Khánh| 11/09/2022 05:53

(HNMCT) - Hiện nay, dù đội ngũ sáng tác trẻ khá hùng hậu nhưng chưa có nhiều người quan tâm sáng tác dòng văn học cho thiếu nhi. Điều này cho thấy, cần có nhiều chương trình khuyến khích các tác giả để có thêm nhiều tác phẩm văn học cho thiếu nhi.

Tạo môi trường đọc và có những tác phẩm tốt cho thiếu nhi là trách nhiệm của người lớn. Ảnh: Nguyễn Minh

Chặng đường khó đi

Nói đến tác giả đang viết cho thiếu nhi, bạn đọc nghĩ ngay đến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Nhưng Nguyễn Nhật Ánh chủ yếu viết cho lứa tuổi mới lớn. Còn các tác giả như: Lê Quang Trạng, Hồ Huy Sơn, Võ Thu Hương, Văn Thành Lê, Trương Huỳnh Như Trân, Thu Trân, Cao Nguyệt Nguyên, Nguyễn Thị Kim Hòa... thì lúc viết truyện người lớn, khi viết cho trẻ em, số đầu sách chưa nhiều và chất lượng sách chưa đều.

Qua chia sẻ của nhiều nhà văn, có thể nhận ra đa số tác giả viết cho lứa tuổi này vẫn xem văn học thiếu nhi như cuộc dạo chơi. Mà đã là dạo chơi thì họ muốn viết thì viết, muốn dừng thì dừng. Các cây bút mới vẫn không ngừng xuất hiện, thử nghiệm cách sáng tạo mới nhưng ở cuộc đua đường dài, nhiều người dần chuyển hướng viết cho người lớn. Một trong những lý do khiến nhiều nhà văn khó đi đường dài trên con đường văn học thiếu nhi vì viết cho trẻ tốn công sức nhưng nhuận bút bèo bọt. Trong khi đó, các ấn phẩm đăng tải tác phẩm cho thiếu nhi ngày càng bị thu hẹp hoặc không còn xuất hiện. Các cuộc thi văn chương ít chú trọng đến mảng văn học thiếu nhi. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thừa nhận, lâu nay, các nhà văn ít viết về văn học thiếu nhi. Vốn quen viết về những vấn đề lớn nên khi viết cho thiếu nhi thì họ lúng túng. Họ mang vào trang viết thiếu nhi sự cồng kềnh của người lớn, trong khi viết cho thiếu nhi cần sự trong sáng, ngây thơ, trí tưởng tượng phong phú. 

Nhà văn Văn Thành Lê, cây bút có nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi, chia sẻ: “Ngày nay, sách viết cho thiếu nhi nếu được in ở Nhà Xuất bản Kim Đồng sẽ được chăm chút về mỹ thuật, công nghệ in ấn. Nhiều đơn vị trước đây không làm sách thiếu nhi, giờ đã “lấn xuống” chơi với trẻ. Đồng thời, vài năm gần đây, vấn đề khuyến đọc được đẩy mạnh, đặc biệt là với độ tuổi học đường”.

Tuy nhiên, theo nhà văn Văn Thành Lê, viết cho thiếu nhi không dễ. Việc tìm lại tuổi thơ, nắm bắt tâm lý trẻ thơ với một người đã lớn, nhất là tuổi thơ bây giờ khác với tuổi thơ thế hệ trước, không phải ai cũng làm được. Khá nhiều nhà văn thành danh đã thử “cho xin một vé đi tuổi thơ”, nhưng rồi đi lạc ga vì không hiểu tâm lý con trẻ. Chưa kể cả khoảng thời gian rất dài văn học thiếu nhi chưa được ghi nhận, cổ vũ đúng mức cho lắm.

Về sự hạn chế của đề tài, nhà văn Trần Đức Tiến nêu quan điểm: “Trong các đề tài viết cho thiếu nhi, tôi thấy hiện đang thiếu nhất là mảng truyện giả tưởng. Thời gian gần đây, những truyện sinh hoạt - chuyện có thật hằng ngày chiếm tỷ lệ lớn. Tất nhiên, đề tài này cũng hay, nhưng tính kích thích trí tưởng tượng cho trẻ em không nhiều”.

Cần nhiều sự đầu tư

Tạo dựng môi trường đọc và những tác phẩm tốt cho thiếu nhi là trách nhiệm của người lớn. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ, phát triển văn học thiếu nhi là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, là trọng trách của những người sáng tác văn học. Nhà văn Lê Quang Trạng cho rằng: “Viết cho các em, trước hết hãy để các em thấy mình trong các nhân vật, được hồn nhiên, nghĩ suy đúng với tuổi mình, không lên gân lên cốt. Đừng bắt các em phải diễn, cũng như đừng diễn trước các em... Với trẻ con thì phải thật sự hiểu, thật sự đặt mình vào chính các em thì mới bắt được sóng, mới dò đúng tần số, khi đó mới mong các em đón nhận mình”.

Đồng quan điểm ấy, nhà văn Võ Thu Hương tâm sự: “Tôi coi trọng nét đẹp văn chương, những giá trị đẹp trong tác phẩm thiếu nhi và không cho phép mình có thái độ qua loa. Đọc sách, nhất là sách văn học cũng là góp phần xây dựng tâm hồn trẻ thơ”.

Trong hội nghị triển khai công tác văn học năm 2021, Hội Nhà văn Việt Nam đã công bố Giải thưởng văn học thiếu nhi hằng năm, đồng thời, Ban Văn học thiếu nhi được đổi thành Hội đồng Văn học thiếu nhi. Trước đó, đã có đề án “Trao giải quốc gia về văn học nghệ thuật dành cho trẻ em” thuộc chương trình phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước về văn học giai đoạn 2021-2025 giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Cục Nghệ thuật biểu diễn. Trong kế hoạch năm 2022 của Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến sẽ có một trại sáng tác văn học thiếu nhi, quy tụ những người trẻ viết cho trẻ nhỏ... Qua đó có thể thấy, văn học thiếu nhi đã được Hội Nhà văn quan tâm hơn.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cho hay: “Đầu tư cho văn học thiếu nhi là cần thiết. Phải có một chiến lược xây dựng đội ngũ viết cho thiếu nhi. Các tác giả cũng cần nhìn lại quan điểm sáng tác của mình để không tụt hậu với thời đại. Các cuộc thi cần phải được cơ quan chuyên môn phát động thường xuyên, đa dạng hơn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm hướng phát triển văn học thiếu nhi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.