Giao thông

Hiện thực hóa mục tiêu 3.000km đường bộ cao tốc

Tuấn Lương 28/09/2023 - 06:25

Hàng loạt dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được thông xe đưa vào khai thác đã nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước đến thời điểm hiện nay là 1.822km.

Bộ Giao thông - Vận tải và các đơn vị liên quan vẫn đang tích cực triển khai các dự án khác nhằm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 3.000km đường cao tốc được đề ra tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

thi-cong-tuyen-cao-toc-bac-.jpg
Thi công tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Vũng Áng - Bùng. Ảnh: Đức Phúc

Đột phá về hạ tầng giao thông

Đầu tháng 9-2023, Bộ Giao thông - Vận tải đưa vào khai thác hai dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 là quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu. Trước đó, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn được đưa vào khai thác từ tháng 2-2022 và đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 đưa vào khai thác tháng 4-2023.

Việc hoàn thành các dự án thành phần từ tỉnh Ninh Bình đến tỉnh Nghệ An tiếp tục nâng tổng số đường cao tốc trục Bắc - Nam lên khoảng 1.050km, góp phần nối thông tuyến đường cao tốc từ Thủ đô Hà Nội đến Nghệ An dài 251km, rút ngắn thời gian di chuyển còn khoảng 3,5 giờ so với 5 giờ như trước đây.

Ở khu vực phía Nam, ngày 30-4-2023, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km nối tỉnh Bình Thuận với tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành. Tiếp đó, ngày 19-5-2023, đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 101km cũng được thông xe. Lần đầu tiên, miền Nam có một đường cao tốc liên tục dài trên 250km từ thành phố Hồ Chí Minh xuyên qua Dầu Giây, Phan Thiết ra thẳng tới vùng biển Vĩnh Hảo, giáp Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận).

Đây là bước đột phá về hạ tầng giao thông phía Nam bởi khu vực phía Nam trước năm 2020 được xem là vùng trũng về đường cao tốc. Suốt từ tỉnh Ninh Thuận đến tỉnh Cà Mau chỉ có vẻn vẹn hơn 90km đường cao tốc…

Tiến sĩ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế đánh giá, Bộ Giao thông - Vận tải đã quyết liệt trong việc chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cũng như giải ngân vốn đầu tư công tại các dự án. Từ đó, trong vòng hơn 2 năm, hàng loạt dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam đã hoàn thành, đưa vào khai thác, làm thay đổi diện mạo giao thông khu vực phía Nam. Đây là thời kỳ “2 năm bằng 20 năm”, cho thấy sự nỗ lực của ngành Giao thông.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng, 3 năm qua, 649km đường cao tốc đã hoàn thành, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước đến thời điểm hiện nay là 1.822km. Chỉ trong 3 năm, chiều dài đường cao tốc hoàn thành bằng 1/2 số kilômét đường cao tốc triển khai trong 10 năm trước.

tuyen-cao-toc-bac-nam-doa.jpg
Tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu đã thông xe ngày 1-9-2023. Ảnh: Trần Lộc

Danh dự, trách nhiệm trước nhân dân

Đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông - Vận tải) cho biết, nhằm cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2025 tổng chiều dài đường cao tốc đạt 3.000km, ngay từ năm 2022, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư của 6 dự án đường cao tốc (cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh và Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội) với tổng chiều dài khoảng 1.300km.

Ngoài ra, Bộ Giao thông - Vận tải và các địa phương đã và đang hoàn thành các thủ tục để chuẩn bị khởi công xây dựng khoảng 700km; thu xếp nguồn vốn để sau năm 2025 triển khai khoảng 900km, đáp ứng mục tiêu đến năm 2030, chiều dài đường bộ cao tốc Việt Nam đạt 5.000km.

Những ngày này, hàng vạn cán bộ, kỹ sư, công nhân các ban quản lý dự án, chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, nhà thầu vẫn đang bám sát công trường, nỗ lực vượt qua khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án cao tốc trên khắp mọi miền cả nước. Lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải cũng liên tục đi thị sát công trường, đôn đốc, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Tại dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (dài hơn 49km) kết nối hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, các nhà thầu huy động tới 99 mũi thi công với 836 đầu thiết bị và gần 2.000 kỹ sư, công nhân. Các nhà thầu đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công phấn đấu tháng 5-2024 sẽ thông tuyến đến Bãi Vọt (tỉnh Hà Tĩnh).

Trong khi đó, tại hai dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi (32,28km) và Hàm Nghi - Vũng Áng (54,2km) do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư, các nhà thầu đều đang dồn lực đẩy nhanh tiến độ. Ban Quản lý dự án đã chỉ đạo nhà thầu tập trung thi công vị trí nút giao Bãi Vọt trước, nhằm bảo đảm đưa vào sử dụng cùng thời gian với dự án Diễn Châu - Bãi Vọt. Các đoạn còn lại hoàn thành trong năm 2025.

“Ngành Giao thông - Vận tải xác định, việc hoàn thành các dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng là danh dự, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Do đó, lãnh đạo bộ, các cơ quan trực thuộc, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn, nhà thầu đã thực sự vào cuộc quyết tâm; quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa, quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa, xác định trọng tâm, trọng điểm để phân bổ nguồn lực, thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra”, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hiện thực hóa mục tiêu 3.000km đường bộ cao tốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.