Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm hướng đi mới để nông sản Việt Nam được mong chờ đặt hàng chứ không phải chờ "giải cứu"

Hương Ly - Ảnh: Quang Thái| 19/01/2022 15:26

(HNMO) - Ngày 19-1, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc Góp ý kiến Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Chủ trì hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TƯ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành. Tham dự có lãnh đạo ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và các tỉnh ủy, thành ủy dự tại 63 điểm cầu trên cả nước.

Đại biểu thành phố Hà Nội dự hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền.

Điểm cầu Trung ương, các địa phương qua màn hình trực tuyến.

Thay đổi căn bản diện mạo nông thôn

Phát biểu khai mạc hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, Nghị quyết số 26/NQ-TƯ ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đề ra hệ thống quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sáng suốt, đồng bộ, được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ. Sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết, nông nghiệp, nông thôn nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa to lớn, bao trùm, toàn diện. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt được mức khá cao (2,94%/năm). Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng 8,17%/năm, cán cân thương mại liên tục xuất siêu, nông sản Việt Nam có mặt ở trên 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, đưa Việt Nam thành một trong những cường quốc nông sản; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, giảm nghèo bền vững. Tuy vậy, qua tổng kết đánh giá cho thấy, khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế.

Trước thực tế này, ngày 26-3-2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quyết định 02-QĐ/TƯ thành lập Ban chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ. Ban chỉ đạo đã thực hiện nghiêm Kế hoạch tổng kết của Ban chỉ đạo; tổ chức 24 hội nghị, hội thảo; làm việc với một số bộ, ngành địa phương; tổng hợp 26 báo cáo chuyên đề để xây dựng dự thảo Báo cáo tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TƯ nhằm hoàn thiện Báo cáo, xây dựng dự thảo Nghị quyết mới để trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII).

Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố đã có nhiều bài tham luận đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp cụ thể nhằm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Các đồng chí lãnh đạo thành phố dự hội nghị góp ý kiến báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội.

Khẳng định vai trò trụ đỡ kinh tế của ngành Nông nghiệp Thủ đô

Đại diện Thành ủy Hà Nội tham luận tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã bày tỏ sự thống nhất cao với các nội dung của dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng khẳng định, Nghị quyết số 26-NQ/TƯ được ban hành thể hiện tầm nhìn và sự quan tâm toàn diện, sâu sắc của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ đổi mới và hội nhập; góp phần tạo sinh khí mới và sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, giúp nhân dân hiểu được ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với việc giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Hà Nội, sau 13 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, diện mạo nông thôn đã có chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được nâng lên rõ rệt. Ngành Nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần quan trọng ổn định xã hội trong thời gian khó khăn do dịch Covid-19. Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định; giai đoạn 2008-2020, tốc độ tăng trưởng đạt 2,94%/năm, quy mô tăng trưởng toàn ngành gấp 1,39 lần. Năng suất lao động nông nghiệp đạt 53,5 triệu đồng/người, gấp 2 lần năm 2008...

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị ở điểm cầu Thành ủy Hà Nội.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng nhận xét, dự thảo Báo cáo đã đánh giá tổng quát thành tựu đạt được trên cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong 13 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ, đồng thời, cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết…

Việc Chính phủ chỉ đạo thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020 có ý nghĩa rất quan trọng và đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới. Qua đó, giúp chủ thể sản xuất chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm; đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng; đồng thời khẳng định chất lượng sản phẩm của Việt Nam đối với thế giới.

Do vậy, thành phố Hà Nội kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương nghiên cứu, xem xét, bổ sung thêm vào mục “Quan điểm” nội dung: Xác định Chương trình OCOP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng nông thôn mới. Từ đó cần tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển sản phẩm OCOP nhằm phát huy các lợi thế, khơi dậy tiềm năng phát triển các sản phẩm của các vùng, miền trong cả nước.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng kiến nghị 3 nội dung quan trọng. Trong đó, kiến nghị sớm hoàn thiện dự thảo và trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn mới giúp các địa phương có căn cứ tổ chức thực hiện; kiến nghị Đảng đoàn Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai để tháo gỡ những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai; kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp (xã, huyện, tỉnh) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu); Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 để các địa phương có căn cứ thực hiện...

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Sớm ban hành Nghị quyết mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề chiến lược, luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Nghị quyết 26-NQ/TƯ ra đời hợp lòng dân, sát thực tiễn, tính khả thi cao. Sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị đã tạo những bước chuyển mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động và đạt nhiều thành tựu to lớn trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Nhấn mạnh nông nghiệp trong nhiều năm liền được nhắc đến như là trụ đỡ của nền kinh tế, đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng, kết quả đã đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã góp phần vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình đất nước, thế giới có nhiều thay đổi lớn, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chủ trương hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra, đòi hỏi phải tăng cường thêm nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp mạnh mẽ mới để thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định, đến thời điểm này đã chín muồi để tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TƯ và cũng là thời điểm để có thể ban hành một Nghị quyết mới về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Gợi ý về quan điểm, mục tiêu và giải pháp đối với Nghị quyết mới, đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu tiếp tục khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề có vai trò, ý nghĩa chiến lược đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước... Bên cạnh đó, đồng chí cũng lưu ý một số vấn đề đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội như thể chế về đất đai để phục vụ cho phát triển nông nghiệp được hoàn thiện; thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; nông sản Việt Nam phải được mong chờ đặt hàng chứ không phải là chờ đợi để giải cứu; nông thôn trở thành môi trường để giới trẻ khởi nghiệp trong kinh tế nông nghiệp…

Đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết, đồng chí Võ Văn Thưởng yêu các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến, trên cơ sở đó Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập tiếp thu, hoàn chỉnh để báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến trước khi trình Ban Chấp hành Trung ương bảo đảm chất lượng, đúng kế hoạch đã đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm hướng đi mới để nông sản Việt Nam được mong chờ đặt hàng chứ không phải chờ "giải cứu"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.