Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm hướng đào tạo nguồn bóng đá nữ

Ngân Hà| 31/05/2020 07:53

(HNM) - Gặt hái nhiều thành công tại các đấu trường quốc tế, song bóng đá nữ Việt Nam không phải không có những thách thức trong việc phát triển bền vững cũng như vươn tới những mục tiêu mới. Thực tế này đòi hỏi sớm có những giải pháp hiệu quả cho công tác đào tạo nguồn và phát triển phong trào, bảo đảm cả chất và lượng cho bộ môn có nhiều đặc thù này.

Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam ghi dấu ấn tại đấu trường khu vực Đông Nam Á nhưng vẫn cần thêm nguồn cầu thủ bổ sung cho mục tiêu lâu dài.  

Gian nan tạo nguồn cho bóng đá nữ

Bóng đá nữ Việt Nam nhiều năm qua luôn vang danh tại các đấu trường khu vực, từ các lần vô địch Đông Nam Á đến giành Huy chương vàng tại 6 kỳ SEA Games. Điều này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ ở một bộ môn mang nhiều tính đặc thù và thách thức, đồng thời đặt ra những kỳ vọng mới tại các mục tiêu xa hơn như World Cup hay Olympic. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này là cả vấn đề, với không ít khó khăn, trở ngại, nhất là trong tạo nguồn cho bóng đá nữ.

Sau hơn 25 năm phát triển, bóng đá nữ Việt Nam vẫn có số lượng khiêm tốn vận động viên theo đuổi, một phần do những yêu cầu về sức bền thể lực cũng như kỹ năng cần có. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng khác là kinh phí tổ chức hoạt động. Với kinh phí hoạt động chỉ khoảng 3 tỷ đồng/năm, các đội bóng đá nữ tham dự Giải vô địch quốc gia khá chật vật để duy trì hoạt động. Đặc biệt, họ càng khó khăn trong việc huy động tài trợ, nhất là những câu lạc bộ không thuộc các địa phương có tiềm năng lớn về kinh tế.

Theo huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam Mai Đức Chung, cả nước hiện chỉ có thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Sơn La, Hà Nam tổ chức được đội bóng đá nữ. Chưa bàn đến nỗi lo thường trực về kinh phí hoạt động ảnh hưởng đến hiệu quả tập luyện, rèn quân, thì lực lượng dự nguồn như vậy là quá ít, khó bảo đảm các yếu tố cần thiết.

Còn theo Trưởng bộ môn bóng đá (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội) Đỗ Văn Nhật, để đào tạo thành công một vận động viên bóng đá nữ mất rất nhiều thời gian, công sức. “Mỗi năm, trung tâm tuyển hàng chục vận động viên, duy trì đào tạo 7-8 năm, mới có thể giới thiệu được 2-3 gương mặt đủ trình độ thi đấu cho đội tuyển quốc gia”, ông Đỗ Văn Nhật bày tỏ. 

Có thể kể đến trường hợp tiền đạo Ngân Thị Vạn Sự (đội bóng đá nữ Hà Nội), vận động viên được đánh giá là được đôn lên đội 1 khá nhanh so với đồng đội. Cầu thủ Ngân Thị Vạn Sự chia sẻ: “Tôi may mắn được đầu tư đúng hướng từ nhỏ, nhưng cũng phải mất khoảng gần 7 năm mới được gọi vào đội 1”.

Tiếp sức cho bóng đá nữ

Để phát triển bền vững, hướng đến các nhiệm vụ quốc tế, không chỉ là Olympic năm 2021, SEA Games 31-2021, mà xa hơn là tham dự World Cup bóng đá nữ, bóng đá nữ Việt Nam cần có kế hoạch đầu tư bài bản để dưỡng quân, phát triển đường dài, trong đó phải tập trung trẻ hóa lực lượng, tạo nguồn kế cận phù hợp với yêu cầu mới.

Do vậy, mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã yêu cầu Liên đoàn Bóng đá Việt Nam có biện pháp hỗ trợ bóng đá nữ, tạo mọi điều kiện để bộ môn này phát triển bền vững, tiếp tục mang lại những thành tựu mới trên đấu trường quốc tế.

Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Trần Quốc Tuấn cho biết, Liên đoàn đã có kế hoạch bổ sung thêm huấn luyện viên thể lực cho đội tuyển bóng đá nữ. Ngoài ra, vị trí thủ môn sẽ được chú trọng hơn với huấn luyện viên chuyên biệt. Việc tìm kiếm nguồn hỗ trợ cho đội tuyển cũng được Liên đoàn tích cực đẩy mạnh, nhằm bảo đảm nguồn lực để đội tuyển yên tâm tập luyện. Trước mắt, đã có một doanh nghiệp lớn hỗ trợ đường dài cho đội tuyển, trong đó bảo đảm đầu ra cho các vận động viên bóng đá nữ khi giải nghệ.

Liên quan đến nguồn dự tuyển, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Trần Quốc Tuấn cho rằng, các địa phương cần đẩy mạnh xã hội hóa; xây dựng phong trào bóng đá nữ trong các trường học, duy trì các giải bóng đá nữ, bóng đá nữ đỉnh cao, tăng cường cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện tốt nhất cho tập luyện, thi đấu..., góp phần thúc đẩy phong trào phát triển toàn diện, từ đó tạo thêm nguồn tuyển chọn.

Còn theo huấn luyện viên Mai Đức Chung, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và các địa phương cần ngồi lại với nhau để bàn chiến lược dành riêng cho bóng đá nữ. Bóng đá nữ dù không đầu tư diện rộng, song từ diện hẹp vẫn có thể chọn lựa được những tài năng nổi bật để đầu tư có chiều sâu.

Trong khi đó, Trưởng bộ môn bóng đá Hà Nội Đỗ Văn Nhật chia sẻ: "Bóng đá nữ cần có quy trình tuyển chọn cẩn thận và đào tạo, huấn luyện, chăm sóc dinh dưỡng một cách bài bản, khoa học. Cũng cần có nhiều đội bóng đá nữ hơn hiện nay".

“Muốn bóng đá nữ Việt Nam ổn định một cách vững chắc ở Đông Nam Á và tiệm cận trình độ châu Á, thì phải thay đổi cách nghĩ và cách làm, đặc biệt ở cấp địa phương”, ông Mai Đức Chung nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm hướng đào tạo nguồn bóng đá nữ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.