Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm hoa trong những trang Kiều

Nam Phương| 06/02/2022 17:23

(HNMCT) - Nói đến mùa xuân, không thể không nói đến hoa, bởi hoa là một phần không thể thiếu của mùa xuân. Nhân dịp này, chúng ta hãy cùng tìm hoa trong những trang Kiều.

Một tác phẩm trong bộ tranh Kiều của họa sĩ Phạm Đức Hạnh.

Trong bài thơ “Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng?” của Chế Lan Viên có câu: Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn. Điều đó cho thấy nhà thơ lớn họ Chế đánh giá “Truyện Kiều” và vai trò của đại thi hào Nguyễn Du trong văn hóa Việt nói chung và văn học Việt nói riêng quan trọng đến thế nào.

Trong 3.254 câu thơ trong “Truyện Kiều”, ít nhất ta cũng tìm được mười lăm, mười sáu câu có liên quan đến hoa.

Đây là bốn câu gắn với cảnh vật mùa xuân rất giàu âm thanh và màu sắc tiêu biểu:

“Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”.

Trong bốn câu này, chỉ riêng hai câu: “Cỏ non xanh rợn chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa” cũng đủ vẽ nên một bức tranh xuân độc đáo, ấn tượng.

Đây là một số câu lục bát có sử dụng hoa và hình ảnh hoa theo nghĩa trừu tượng hoặc cụ thể, trong những tình huống cụ thể:

- “Bóng hồng nhác thấy nẻo xa
Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai”
- “Tiếng sen sẽ động giấc hòe
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần”
- “Tiếc thay một đóa trà mi
Con ong đã tỏ đường đi lối về”
- “Giá đành trong nguyệt trên mây
Hoa sao hoa khéo đọa đầy bấy hoa”
- “Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông”
- “Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”
- “Khi chén rượu khi cuộc cờ
Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên”...

Trong những cặp lục bát về hoa của Nguyễn Du, có những câu mô tả sự e thẹn trong cuộc gặp gỡ lần đầu tiên giữa Thúy Vân và Thúy Kiều với Kim Trọng (“Hai nàng e thẹn nép vào dưới hoa”); có những câu nêu bật vẻ đẹp rực rỡ của Thúy Kiều, Thúy Vân (“Bóng hồng nhác thấy nẻo xa/ Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai”); có những câu mô tả một mùa hè thật sống động (“Dưới trăng quyên đã gọi hè/ Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông”); có những câu có giá trị như một lời than tiếc (“Tiếc thay một đóa trà mi/ Con ong đã tỏ đường đi lối về”); có những câu mô tả sự gắn bó, chia sẻ của lứa đôi trong sự hân hoan (“Khi chén rượu khi cuộc cờ/ Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên”); có những câu mô tả một cuộc chơi hết mình, hết cỡ (“Chơi cho liễu chán hoa chê/ Cho lăn lóc đá cho mê mẩn đời”)...

Trong số ấy, có nhiều câu thơ mượn hoa để nói về các mối quan hệ, cách hành xử trong cõi nhân thế mà nhiều người đời sau đã nhớ, đã thuộc. Tôi đặc biệt thích bốn từ “Hương gây mùi nhớ” trong câu “Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình” rất đáng nhớ, rất dễ tạo ra sự ám ảnh khác thường. Bởi vì hương chính là cái còn lại của hoa, cái đặc trưng của hoa, nếu xét về mặt nội dung. Và gây mùi nhớ chính là biểu tượng đặc trưng của hương, vượt lên một mùi hương cụ thể và chuyển sang nghĩa bóng, nghĩa mở.

Những loại hoa mà Nguyễn Du ưa sử dụng là lan, cúc, lê, sen, lựu, trà mi. Riêng hai câu: “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân” là một cặp lục bát tài tình (vừa tài lại vừa tình). Cả bốn mùa từ hạ đến thu, đông, xuân được chuyển hóa trong mười bốn từ với một tốc độ... phi mã. Hay nói một cách khác: Nguyễn Du đã gói cả bốn mùa chỉ bằng hai câu thơ. Ở đây, bốn mùa đã được tiếp nối. Nhưng sau sen tàn là cúc nở, sau sầu dài ngày ngắn là mùa xuân đón đợi.

Điều thú vị là hai câu lục bát này đã được Tổng thống Mỹ Bill Clinton sử dụng trong một bài phát biểu khi đến thăm Việt Nam vào năm 2000, khi bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ với dụng ý “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm hoa trong những trang Kiều

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.