(HNM) - Trong 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam thu hút được 15,27 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái) và được đánh giá là "chấp nhận được" trong bối cảnh hiện nay. Tuy vậy, xu hướng giảm về lượng vốn mới đăng ký trở nên rõ rệt hơn trong tháng 7. Thực tế trên cần được phân tích kỹ nhằm tìm kiếm những giải pháp phù hợp để tiếp tục thu hút nguồn đầu tư quan trọng này.
Tính chung trong 7 tháng năm 2021, Việt Nam thu hút 16,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ giải ngân vốn cũng có xu hướng giảm khi chỉ tăng 3,8% so với 7 tháng năm 2020.
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng cho biết, nguyên nhân chính là do dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, làm chậm lại quá trình tìm hiểu cơ hội và khả năng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. Việc thực hiện giãn cách, siết chặt hoạt động đi lại giữa các quốc gia càng làm cho giới đầu tư bị động, khó triển khai dự án hoặc để đi đến quyết định đầu tư tại Việt Nam.
Mặt khác, có thể nhận định, bản thân các nhà đầu tư cũng phải căng sức, đối phó với dịch Covid-19 nên cũng giảm bớt nguồn lực, dẫn đến sự "lần lữa" trong triển khai dự án. Đây là tình huống có tính chất như hiệu ứng dây chuyền. Tháng 7 vừa qua, không ghi nhận thêm dự án đầu tư nước ngoài nào có quy mô lớn như 6 tháng trước.
Tuy nhiên, cũng cần ghi nhận sự ổn định trong sản xuất, nhất là xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Cụ thể, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt kim ngạch xuất khẩu 135 tỷ USD (không kể dầu thô) trong 7 tháng, tăng 29,3% so với cùng kỳ; đạt mức xuất siêu 14,1 tỷ USD. Kết quả này đã bù đắp rất đáng kể cho hiện thực nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước, hỗ trợ cán cân thương mại quốc gia.
Để từng bước củng cố, tăng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trương đẩy mạnh cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục và đề nghị các địa phương hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư. Trong đó, chú trọng việc đáp ứng về mặt bằng sản xuất, nguồn cung nhân lực, nguyên liệu, linh kiện sản xuất trong nước cho các dự án đầu tư nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, vừa qua có hiện tượng tăng giá cho thuê đất tại một số khu công nghiệp, làm giảm lợi thế so sánh với các nước khác trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Hiện, xu hướng giảm sút về đầu tư nước ngoài vẫn tiếp diễn trên toàn cầu, đồng thời áp lực cạnh tranh trong thu hút vốn cũng lớn hơn. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, kết quả thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào khả năng ứng khó, hiệu quả trong khống chế, dập dịch. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ chủ động và nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư theo hướng đa dạng hóa, tăng cường đối thoại chính sách; chủ động hỗ trợ các tập đoàn lớn trong việc tiếp cận, tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần khắc phục hạn chế trong khâu cung cấp quỹ đất sạch và cơ sở hạ tầng (cảng biển, hệ thống giao thông, kho bãi...). Đặc biệt, việc sớm khống chế dịch bệnh sẽ là “visa” để chúng ta đón “đại bàng” tới đầu tư, không chỉ cho năm 2021 mà cả giai đoạn 2021-2025...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.