Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

Linh Nhi| 14/07/2012 06:28

(HNM) - Từ đầu năm đến nay, Hà Nội có hơn 7.700 doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động, kéo theo gần 8.000 người lao động (NLĐ) thất nghiệp. Đó là con số "nóng" được đưa ra tại Hội nghị BCH LĐLĐ TP Hà Nội gần đây. Thực trạng đó không chỉ khiến NLĐ lao đao, mà còn làm cho các cấp công đoàn (CĐ) Thủ đô "đau đầu" tìm giải pháp hỗ trợ NLĐ mất việc làm.

Khó khăn trăm bề khi mất việc

Khu nhà trọ có đông CNLĐ ở xã Kim Chung (huyện Đông Anh) thời điểm này trầm lắng, vắng vẻ hơn mọi khi. Kinh tế khó khăn, thu nhập vốn đã eo hẹp nay lại bị giảm sút do đơn hàng giảm, việc ít nên Nguyễn Thị Mến (quê ở Đô Lương, Nghệ An, công nhân Công ty TNHH Tokyo Micro Việt Nam) chia sẻ, hiện chỉ đi làm cầm chừng, hưởng 70% lương, không "được" đi làm thêm, tăng ca như trước nên thu nhập giảm sút, chỉ còn 2,2 triệu đồng/tháng.

Các cấp công đoàn cần có sự hỗ trợ kịp thời để người lao động được hưởng quyền lợi chính đáng. Ảnh: Huyền Linh

Cũng với tâm trạng bất an vì thiếu việc, nhiều bạn bè, đồng nghiệp của Mến cho biết, họ cố gắng "bám trụ" thêm thời gian nữa, hy vọng tình hình công việc khá lên. Trong khi đó, nhiều người mất việc phải chạy đôn đáo tìm việc làm. Trong thời điểm hiện nay, NLĐ muốn tìm một công việc đúng với trình độ tay nghề cùng mức lương phù hợp là không dễ dàng. Do đó, không ít người chấp nhận làm việc không đúng tay nghề, chuyên môn, họ "vươn" ra ngoài làm "cửu vạn", giúp việc, hoặc ai thuê việc gì thì làm.

Thực tế, khi bị mất việc hoặc thiếu việc làm, CNLĐ thường "bấu víu" vào chiếc "phao cứu sinh", đó là trợ cấp thất nghiệp (TCTN). Theo Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, số lao động đến đăng ký thất nghiệp và hoàn thiện hồ sơ để hưởng TCTN tiếp tục gia tăng, với hơn 7.000 người. Tuy nhiên, không phải NLĐ thất nghiệp nào cũng được hưởng quyền lợi này, nhiều người do thiếu hiểu biết, kiến thức đã tự đánh mất quyền lợi của mình. Luật quy định trong vòng 7 ngày, kể từ ngày mất việc, chấm dứt hợp đồng lao động, NLĐ phải đi đăng ký thất nghiệp. 15 ngày sau đó, NLĐ phải nộp đủ hồ sơ hưởng TCTN. Tổng cộng NLĐ chỉ có 22 ngày để hoàn tất hồ sơ, nếu không đăng ký kịp, sẽ không được hưởng...

Công đoàn vào cuộc

Thất nghiệp, thiếu hoặc mất việc làm đang là vấn đề "nóng" hiện nay. Bên cạnh đó, NLĐ còn phải gánh chịu nhiều hệ lụy, trong đó có sự thiếu trách nhiệm, hoặc cố tình vi phạm pháp luật lao động của những chủ sử dụng lao động.

Chị Trương Thị Hồng, công nhân một công ty TNHH thuộc ngành xây dựng làm việc được hai năm chia sẻ, tháng nào DN cũng nói trích lương của chị để đóng BHXH. Vậy mà, vừa qua, khi DN gặp khó khăn, thiếu việc, chị xin nghỉ việc và đăng ký hưởng TCTN thì mới "vỡ" ra DN không đóng BHXH, nên chị không được hưởng chế độ TCTN.

Ông Nguyễn Đình Khương, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam thừa nhận, tình trạng trên diễn ra rất phổ biến. Mất việc làm đang là vấn đề "nóng bỏng", song nỗi bức xúc của NLĐ có lẽ còn "nóng" hơn khi gặp cảnh như vậy. Để bảo vệ NLĐ, hạn chế tình trạng trên, CĐ cấp trên cơ sở của TP Hà Nội đã tăng cường cử cán bộ xuống DN để kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách cho NLĐ, qua đó kịp thời chấn chỉnh những DN có sai phạm, đồng thời kiến nghị với CĐ cấp trên có biện pháp xử lý những trường hợp cố tình vi phạm và mức độ vi phạm "nặng". Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Đặng Minh Thuần khẳng định, để bảo vệ quyền lợi NLĐ, nhất là NLĐ bị mất, thiếu việc làm, ngoài việc chỉ đạo CĐ cấp dưới quan tâm nắm bắt tình hình từ cơ sở, LĐLĐ TP tích cực kiến nghị TP và vừa qua TP đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, có giải pháp xử lý đối với các DN vi phạm. TP cũng đã thành lập tổ công tác thu hồi nợ BHXH. Vừa qua, kết quả kiểm tra tại hơn 50 đơn vị, DN có số nợ BHXH trên 1 tỷ đồng, đã thu hồi được hàng chục tỷ đồng nợ BHXH... Đặc biệt, CĐ mới có chủ trương áp dụng chính sách hỗ trợ khó khăn đối với những NLĐ không là đoàn viên CĐ, là NLĐ tự do. Đồng thời nỗ lực kêu gọi các nguồn tài trợ, ủng hộ quỹ xã hội CĐ, góp phần giúp CNLĐ nghèo, gặp khó khăn đột xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.