(HNM) - Thời gian qua, trên các tuyến đê, sông đi qua địa phận Hà Nội liên tiếp xảy ra các sự cố, sạt lở, đe dọa an toàn tính mạng, tài sản của người dân và hệ thống công trình phòng, chống thiên tai của thành phố. Để hạn chế các sự cố sạt lở đê điều, bờ sông, Sở NN&PTNT Hà Nội đang tập trung nghiên cứu các giải pháp mang tính bền vững...
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với hội tụ gió trên cao nên những ngày vừa qua trên địa bàn các huyện, thị xã: Sơn Tây, Phúc Thọ, Ba Vì... xảy ra mưa lớn, gây ra nhiều sự cố sạt lở bờ sông.
“Hôm nào mưa to là tôi không dám ở nhà mình...”, bà Chu Thị Vi, ở thôn Hà Tân, xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) chia sẻ. Quan sát ngôi nhà cấp 4 của bà nằm cheo leo nghiêng về phía lòng sông với vết nứt rộng 3-5cm xẻ dọc bức tường, phóng viên Báo Hànộimới phần nào cảm nhận nỗi lo của người dân nơi đây.
“Nhận được tin báo, xã đã xử lý giờ đầu sự cố; đồng thời, căng dây, cắm biển cảnh báo. Để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, xã rất mong các cấp, các ngành của thành phố kiểm tra, đầu tư xây dựng công trình phòng, chống sạt lở...”, Chủ tịch UBND xã Đường Lâm Phan Văn Hòa đề nghị.
Về vấn đề này, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Sơn Tây - Phúc Thọ Nguyễn Công Cường thông tin thêm, do ảnh hưởng các trận mưa lớn nên 2 đoạn bờ sông Hồng bị sạt lở làm hư hỏng công trình, mất đất ở và đất sản xuất nông nghiệp của hơn 200 hộ dân sinh sống lâu đời ngoài bãi sông thuộc địa bàn các thôn: Hà Tân, Hưng Thịnh (xã Đường Lâm), Yên Thịnh (phường Phú Thịnh) của thị xã Sơn Tây.
Tương tự, trên các tuyến đê, sông: Đà, Đuống, Đáy, Bùi, Mỹ Hà, Cà Lồ... đi qua địa bàn các huyện: Ba Vì, Đông Anh, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa... xảy ra nhiều sự cố sạt lở trong những năm gần đây.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống thiên tai Hà Nội Phạm Quang Đông, nguyên nhân xảy ra các sự cố đê điều, sạt lở bờ sông là do phần lớn tuyến đê của Hà Nội được hình thành từ lâu đời với nhiều lần tu bổ bằng phương pháp thủ công, vật liệu không đồng chất. Đặc biệt, gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã khiến lòng dẫn các sông: Hồng, Đà, Đuống... bị hạ thấp, dòng chủ lưu đổi hướng áp sát bờ sông, tuyến kè làm mất ổn định, gây ra tình trạng sạt, trượt bờ sông, mái kè...
Để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, an toàn công trình phòng, chống thiên tai, thành phố Hà Nội đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng khắc phục những sự cố, sạt lở nghiêm trọng... Cụ thể, năm 2018, thành phố đã đầu tư hơn 293 tỷ đồng xây dựng công trình cấp bách khắc phục 18 sự cố; năm 2019, đầu tư gần 653 tỷ đồng khắc phục 41 sự cố và năm 2020 đầu tư gần 198 tỷ đồng khắc phục 9 sự cố... Đối với những sự cố, sạt lở xảy ra trong năm 2021, Sở NN&PTNT đang phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, đề xuất UBND thành phố bố trí kinh phí xử lý.
“Để giảm phát sinh sự cố đê điều, sạt lở bờ sông, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các địa phương ngăn chặn phương tiện quá tải trọng lưu thông trên mặt đê và quản lý chặt chẽ hoạt động tập kết cát sỏi, xây dựng công trình ngoài bờ, bãi sông... Về trách nhiệm quản lý nhà nước, Sở NN&PTNT Hà Nội đang tập trung nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố về kế hoạch tổng thể đầu tư, nâng cấp hệ thống đê điều, công trình thủy lợi giai đoạn 2021-2025 theo hướng bền vững gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai của Thủ đô...”, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.