Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiêu dùng văn hóa - một lối tiếp cận tương lai

Lê Huy Anh| 19/03/2012 06:32

(HNM) - Nhớ lại cảnh giới trẻ Hà Nội đón nhận những ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình trong khuôn khổ Đại nhạc hội Việt - Hàn vào tối 15-3, tự nhiên lại nghĩ về cách thức tiêu dùng văn hóa.


Đó là một buổi tối thứ năm ấm áp sau nhiều tuần giá lạnh âm u. Tám giờ tối mới bắt đầu đêm diễn nhưng từ ba tiếng trước đó không khí đã hầm hập. Hàng trăm sinh viên, học sinh Hà Nội, dồn ứ bên ngoài cổng vào. Có người chờ tới giờ vào xem, có người tìm mua giấy mời và có nhiều người không có vé, cũng chẳng có tiền mua vé nhưng đến đây tìm kiếm cơ hội lọt qua cánh cổng Trung tâm Hội nghị quốc gia, hoặc giả là muốn hít thở bầu không khí vốn đã sôi động chốc chốc lại bùng lên tiếng hò hét của một nhóm trẻ nào đó. Nhiều người quấn trên đầu tấm băng rôn "SuJu trở lại", cầm trên tay tấm bìa giấy viết vội dòng chữ "CN BLUE". Những nhóm nhỏ tụ lại trên hè, chốc chốc lại ào xuống lòng đường, hét vang tên một ai đó trong số 8 ban nhạc Hàn Quốc di chuyển trên những chiếc xe to kéo kín rèm cửa. Thỉnh thoảng từ bên ngoài lại có nữ sinh trèo qua hàng rào,chạy biến vào trong. Trên hè phố, ở đoạn tiếp giáp cổng chính hay cổng phụ, dân phe vé hớn hở đi lại, sẵn sàng "thịt" những "con mồi" trẻ tuổi đang say sưa giấc mơ được thấy thần tượng âm nhạc của mình. Hai đến bốn triệu đồng một tấm giấy mời từ dân phe, có thể mua với giá một nửa số đó nếu tìm ra người được tặng giấy mời nhưng muốn bán lại. Một số nữ sinh rơm rớm nước mắt vì "chúng cháu chỉ có gần một triệu đồng thôi, lấy đâu ra mà đủ mua với giá hai, ba triệu một vé". Những bà mẹ đưa con đến đây tự hỏi điều gì đã khiến một đêm nhạc, dù là có các nhóm nhạc thành danh của Hàn Quốc tham gia biểu diễn lại có thể khiến giới trẻ Việt Nam phát sốt phát rét suốt một tuần liền, và vì thế mà có người đã phải bỏ nguyên tháng lương để đổi lấy chiếc vé chỉ để chiều theo ước muốn của con mình?


Có lẽ "cơn sốt" K-Pop nói trên chỉ là một trong số biểu hiện cho thấy tâm lý và thói quen tiêu dùng của giới trẻ, cả tiêu dùng vật chất và tiêu dùng văn hóa đã có sự thay đổi quá nhiều so với trước đây. Sau "làn sóng tóc nâu, môi trầm" cách nay khoảng chục năm, người ta ngày càng thấy nhiều thanh niên đô thị Việt Nam hướng về những giá trị văn hóa mới, có cả nét hiện đại, văn minh và không loại trừ những gì gần với sự méo mó. Văn hóa đọc đã có sự khác biệt so với trước đây. Thay vì những cuốn sách truyền thống, ngày càng nhiều người chọn cách đọc qua mạng, nhiều khi tiếp nhận cả những giá trị chưa được kiểm chứng và cũng không có người dẫn dắt đàng hoàng. Một cái nhấp chuột là vào "gu gồ" (Google), cả một thế giới mới hiện ra với những "được" và "chưa được" cùng ập đến một lúc. Phương thức giao lưu qua mạng internet đã phá bỏ mọi khoảng cách, hình thành những nhóm xã hội chung sở thích, cùng mối quan tâm. Đã có những kết quả tốt đẹp từ sự liên kết "mua chung", cùng nhau khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn Việt Nam, hay cùng thảo luận về những vấn đề xã hội đáng quan tâm. Nhưng cách tiếp cận thông tin theo nhóm một cách khá thoáng, đôi khi thiếu cân nhắc có thể đã dẫn dắt lề lối tiêu dùng, hình thành xu hướng mà người ta quen gọi là "chạy theo hàng hiệu", "sính ngoại". Những quán cà phê ở phố cổ Hà Nội, Hàng Bài, Nguyễn Chí Thanh... có bao trẻ ở độ tuổi chưa thể tự chủ về tài chính nhưng trên tay là những chiếc máy điện thoại có giá hàng chục triệu đồng, những bộ cánh mà chỉ nghe đến giá đã khiến người thường thấy lạnh người? Người trẻ khi tiêu dùng thường ít so đo. Khi đã chạy theo hàng hiệu, không phải ai cũng quan tâm đến giá trị sử dụng đích thực của hàng hóa và nghĩ nhiều về chuyện mình có cần phải dùng thứ hàng ấy hay không.

Một lúc nào đó người ta phải tự hỏi vì sao vô số cửa hàng thời trang bán hàng "nhái" ở Hà Nội lại có thể tồn tại được trong thời buổi xã hội phải thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu và trong thành phố đã xuất hiện khá nhiều trung tâm thương mại lớn, dù gì cũng vận hành theo cách thức minh bạch hơn thay vì "nhìn mặt mà chém". Lý do rất đơn giản. Những cửa hàng buôn bán đồ "xách tay" đôi khi chỉ cần gặp vài "tín đồ hàng hiệu" là có thể đủ bù đắp chi phí cho cả tháng trời. Xu hướng, thói quen tiêu dùng của giới trẻ nhiều khi được cho là thành phần quyết định đời sống thị trường, chứ không phải những người nhiều tuổi vững vàng về tài chính, là cơ sở cho sự tồn tại của những cửa hàng thời trang trong thành phố cũng như những cơ sở dịch vụ nổi bật vẻ sành điệu. Mới đây, trong một buổi thảo luận về lối sống và thái độ tiêu dùng của giới trẻ, nhiều người phải giật mình vì có đến 3/4 số người được hỏi đã nói rằng họ có nhu cầu được chi tiêu thoải mái thay vì phải đắn đo.

Đó là chưa kể trường hợp vì thỏa mãn ý muốn tiêu dùng mà phải thỏa hiệp, hoặc giả là phải hành động theo sự dẫn dắt ngoài ý muốn, hình thành tâm lý đổi chác cả những gì không được phép. Trong những trường hợp ấy, hệ lụy xấu thường rất lớn.

Xã hội đang trong giai đoạn hội nhập toàn cầu, tiếp biến văn hóa là không tránh khỏi. Quá trình giao lưu, hội nhập văn hóa đặt ra yêu cầu cân bằng yếu tố nội - ngoại sinh. Nền tảng văn hóa chỉ có thể được duy trì, phát triển lành mạnh trong bối cảnh ấy nhờ nội lực văn hóa vững vàng. Tại sao trong một nhạc hội Việt - Hàn có cả nghệ sĩ Việt Nam và Hàn Quốc cùng tham gia, giới trẻ chỉ chú ý đến dàn sao ngoại mà không cần biết hôm ấy có cả ca sĩ khá nổi tiếng trong nước, hay tâm lý "sinh ngoại" quyết định thái độ tiêu dùng của giới trẻ trong trường hợp này? Có lẽ cũng tựa như khi ta đặt câu hỏi rằng tại sao phim điện ảnh Việt Nam không được công chúng đón nhận nhiệt tình như phim Hàn Quốc hay Mỹ.

Thói quen tiêu dùng, dù là tiêu dùng vật chất hay tiêu dùng văn hóa cũng là lối tiếp cận tương lai. Người ăn một bát phở bò Kobe có giá gần triệu đồng vừa bị chê hoang phí vừa được ngưỡng mộ vì vung tiền không tiếc tay. Một đám cưới linh đình tiêu tốn tiền tỷ không giấu nổi nét "quê quê" được người này tung hô, người kia phản đối... Những chuyện ấy cho thấy cách nhìn nhận về lối sống, cách thức tiêu dùng và về văn hóa ứng xử đang có sự phân hóa thay vì theo một hướng, dựa trên những giá trị đạo đức và văn hóa có tính nền tảng. Suy cho cùng thì một tấm áo hàng hiệu có thay đổi được bản chất người khoác nó trên mình? Một chiếc xe sang có đủ cho nhiều người biết rõ lối sống của chủ nhân nó chuyển từ không đồng tình sang khâm phục? Rõ ràng là không. Vậy thì vì sao?

Vài năm qua, phong trào "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" đã thu được kết quả nhất định, có lẽ một phần nhỏ là do cách thức tuyên truyền, còn phần lớn, mang tính quyết định, là do chất lượng một số mặt hàng được nâng cao. Đó là một ví dụ đích thực cho việc tạo lập thói quen tiêu dùng văn hóa dựa trên nền tảng được tạo bởi nhiều loại sản phẩm văn hóa chất lượng cao.

Vấn đề là cách thức làm ra sản phẩm văn hóa cho nhiều nhóm đối tượng như thế nào, có phải là xu hướng chọn người mẫu, ca sĩ, hoa hậu để thỏa mãn nhu cầu "nhìn phim" như hiện nay, để khỏa lấp sự trống trải về khả năng diễn xuất và che giấu khiếm khuyết về kịch bản? Có phải là cái cách cho ca sĩ nhí ăn mặc thật "ngầu", hát "Ngọn lửa cao nguyên" theo phong cách rock, nhảy nhót tưng bừng rồi ra VCD, DVD cho trẻ bốn, năm tuổi xem?

Những ấn tượng đầu đời bao giờ cũng có ý nghĩa dẫn dắt dù người ta có thừa nhận điều đó hay không. Tại sao ở ta có ít người "nghe thủng" opera và điều đó có liên quan gì đến thói quen tiêu dùng văn hóa và chất lượng sản phẩm văn hóa? Hollywood không phải vô cớ có được nhiều bộ phim tuyệt hay mà từ chúng, người xem học hỏi được rất nhiều điều. Trong một bộ phim được phát hành hơn chục năm trước, có tựa "Người đàn bà đẹp", nhân vật nam chính có nói, đại ý là opera là thứ không dễ nghe nhưng ai lần đầu tiếp nhận đã cảm nhận được vẻ đẹp của nó thì sẽ yêu mãi mãi. Muốn hiểu thì phải nghe, muốn nghe thì phải có sản phẩm. Cái sự "có" với dòng nhạc này bao giờ mới thực đúng nghĩa của nó khi những pop, rock ùn ùn ra đời và người ta bỏ vài trăm triệu như chơi để phổ biến một CD "tầm tầm" trong khi bản giao hưởng bốn chương của một nhạc sĩ có tiếng mãi chẳng tìm thấy đường ra sân khấu? Tại sao ở Việt Nam không có nhiều ngôi sao thể thao lớn? Có phải do thể thao học đường ở ta còn kém hay không?

Hôm trước, ở bên lề Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, có thể thấy sự khắc khoải của giới trẻ Hà Nội trong một đêm hội văn hóa. Những ngôi sao quốc tế đến rồi lại đi, chẳng thể lấp đầy khoảng trống chất lượng giải trí được mãi. Điều cần để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng văn hóa, và cũng là thúc đẩy một lề lối tiêu dùng lành mạnh lúc này không có gì khác ngoài tạo ra sản phẩm văn hóa chất lượng. Một điều mà nói thì dễ, làm mới khó, nhưng không có nghĩa khó thì bỏ không làm, hoặc chỉ làm cho có.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiêu dùng văn hóa - một lối tiếp cận tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.