(HNM) - Hiện tại, hầu hết xã trên địa bàn Hà Nội đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới. Với một số xã khó khăn, việc hoàn thiện tiêu chí này, ngoài nỗ lực của từng địa phương, rất cần những giải pháp cụ thể, thiết thực hơn...
378/386 xã đạt, cơ bản đạt tiêu chí giao thông
Hà Nội hiện có hơn 17.000km giao thông nông thôn. Theo bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới của thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020, để đạt tiêu chí giao thông (tiêu chí số 2), các xã phải đáp ứng 4 chỉ tiêu: Đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông - Vận tải; đường trục thôn, liên thôn được cứng hóa, bảo đảm ô tô đi lại thuận tiện; đường ngõ, xóm được cứng hóa, sạch, không lầy lội vào mùa mưa; đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện...
Hạ tầng giao thông xã nông thôn mới Liên Trung (huyện Đan Phượng) thuận lợi cho người dân đi lại. Ảnh: Bá Hoạt |
Những năm qua, gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng giao thông nông thôn. Trong đó phải kể đến Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội (ngày 6-7-2012) ban hành Quy định thí điểm một số chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2016. Theo Quyết định này, thành phố hỗ trợ tiền mua vật tư cho các thôn, xóm khi thực hiện kiên cố hóa giao thông để đạt chuẩn nông thôn mới. Các tuyến đường do thành phố và huyện quản lý cũng được đưa vào danh mục các dự án đầu tư công trung hạn để triển khai thực hiện. Ngoài ra, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã ban hành thiết kế mẫu giao thông nông thôn để các địa phương áp dụng, thực hiện...
Đan Phượng là địa phương triển khai sớm, đạt kết quả cao trong xây dựng giao thông nông thôn. Theo Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng, từ chính sách hỗ trợ của thành phố, huyện vận động nhân dân góp công lao động và hiến đất mở đường. "Theo chủ trương tại Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND, thành phố hỗ trợ sau đầu tư, vì vậy, để có kinh phí xây dựng giao thông nông thôn, huyện vận động các doanh nghiệp ứng vốn để thực hiện; đồng thời phân công cán bộ xuống từng xã rà soát, thống nhất với các địa phương phương án thực hiện... Nhờ vậy, ngay từ năm 2012-2013, Đan Phượng đã xây dựng được hàng trăm kilômét đường nông thôn, hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới...", ông Nguyễn Hữu Hoàng chia sẻ.
Không chỉ ở Đan Phượng, theo thống kê của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội, những năm qua, các địa phương đã tích cực cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hàng nghìn kilômét đường giao thông, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Tranh thủ nguồn vốn đầu tư
Hiện nay, toàn thành phố có 378/386 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí giao thông. Trong số 8 xã chưa đạt tiêu chí này, đơn cử như An Phú (huyện Mỹ Đức) là xã miền núi, địa bàn trải rộng, mật độ dân cư thưa, đời sống các hộ dân còn nhiều khó khăn nên rất khó huy động xã hội hóa cho cải tạo hệ thống giao thông. Phó Chủ tịch UBND xã An Phú Nguyễn Mạnh Ngự thông tin: Đường trục xã An Phú còn 2 đoạn chưa giải phóng được mặt bằng. Xã cần khoảng 1 tỷ đồng để hỗ trợ giải phóng mặt bằng nhưng hiện chưa bố trí được. Đối với đường ngõ xóm, xã mới cứng hóa được 20%, còn lại cơ bản vẫn là đường đất...
Tương tự, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho biết: Các xã ở huyện Ba Vì nguồn thu đều rất hạn chế, việc vận động nhân dân xã hội hóa ngày công mới chỉ thực hiện được đối với giao thông ngõ xóm, còn giao thông nội đồng rất khó thực hiện do đời sống người dân còn nhiều khó khăn…
Theo Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, chỉ tiêu khó thực hiện nhất trong tiêu chí giao thông nông thôn là đầu tư xây dựng đường ngõ, xóm và đường trục chính nội đồng. Nguyên nhân chủ yếu do các xã thiếu vốn đối ứng. Theo Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND, thành phố hỗ trợ 100% vật liệu xây dựng nhưng khi triển khai, các địa phương vẫn phải có kinh phí đối ứng để lập dự toán, thiết kế, thuê máy móc, nhân công... Với một số địa phương khó khăn, để thực hiện các công việc này không dễ dàng. Bên cạnh đó, hạn chế của hệ thống giao thông nông thôn hiện nay là thiếu đồng bộ, thiếu hệ thống thoát nước; thiếu thiết bị an toàn giao thông (cọc tiêu, biển báo...).
Để tiến tới hoàn thiện tiêu chí giao thông nông thôn cho các địa phương khó khăn, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã đưa ra các giải pháp cụ thể. Trước hết, các địa phương cần có chương trình, kế hoạch đầu tư cụ thể để cân đối nguồn vốn phục vụ phát triển hạ tầng giao thông. Với các huyện, xã khó khăn, cần phối hợp lồng ghép với các chương trình phát triển, chương trình mục tiêu… của thành phố đối với địa phương để tranh thủ nguồn vốn đầu tư, bảo đảm hoàn thành tiêu chí. Với các địa phương đã hoàn thành tiêu chí giao thông, cần quan tâm cân đối nguồn vốn cho công tác quản lý, duy tu hạ tầng giao thông.
"Thời gian tới, gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, các địa phương cần tiếp tục hoàn thiện tiêu chí giao thông gắn với mục tiêu thúc đẩy kinh tế, tạo lập môi trường cảnh quan mới cho khu vực nông thôn. Đặc biệt, việc phát triển giao thông cần hướng đến đồng bộ, kết nối vùng, tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn", Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Hoàng Thị Huyền đề nghị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.