(HNMO) - Đã từ lâu, cả người dân lẫn chính quyền địa phương có những “điểm nóng” đều bức xúc trước nạn tiểu bậy. Nhưng để dẹp được nạn này không phải dễ và cũng phải là việc một sớm một chiều.
Người ta sẵn sàng "xả thằng" vào bức tường của Viện Viễn Đông Bác Cổ - Ảnh: Quốc Việt |
Không tha bến xe
Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Đinh Văn Thanh - Trưởng Công an (CA) phường Mỹ Đình 2, Quận Nam Từ Liêm thừa nhận, hiện vẫn còn tình trạng tiểu bậy ở khu bến xe Mỹ Đình, đặc biệt là trên phố Nguyễn Hoàng, lối vào bến xe.
Hàng rào hoa giấy trở thành điểm "xả hàng" ưa thích của những người vô ý thức - Ảnh: Ngô Hương |
Theo Thiếu tá Thanh, trước đây, việc tiểu bậy ở trong và ngoài bến xe Mỹ Đình diễn ra phổ biến. Sau đó, hàng tuần, hàng tháng, UBND phường và CA phường tổ chức ra quân lập lại trật tự văn minh đô thị, vệ sinh môi trường, đặc biệt là tại những tuyến phố đông dân và bến xe. CA phường cũng đã làm việc với Ban Quản lý bến xe để tăng cường lực lượng bảo vệ, kịp thời nhắc nhở những trường hợp tiểu bậy.
Bà Nguyễn Thị Hồng Phương - Phó Chủ tịch Phường Mỹ Đình 2 cho biết, cùng với đó, các bản tin tuyên truyền của phường và của bến xe đều được lồng ghép yêu cầu hành khách và người dân không phóng uế bừa bãi. Vì thế, tình trạng tiểu bậy tại khu vực bến xe đã giảm rõ rệt so với trước đây.
Ấy là thời kỳ trước. Hiện nay tình trạng tiểu bậy vẫn còn tồn tại chủ yếu là bởi ý thức người dân kém và nhà vệ sinh công cộng vẫn còn thiếu. Phía trong bến xe có nhiều nhà vệ sinh nhưng ở phía bên ngoài hiện chỉ có duy nhất một nhà vệ sinh. Trong khi đó, mỗi ngày bến xe này có khoảng 20.000 - 23.000 lượt người ra vào, ấy là chưa kể những hôm cao điểm. Nhiều hành khách thiếu ý thức, dù đứng ngay cạnh nhà vệ sinh nhưng họ không vào mà “giải quyết” ngay ngoài đường cho tiện và cũng để đỡ tốn tiền. Thậm chí có những người còn cố tình tiểu bậy bởi vì khi có mặt lực lượng chức năng thì họ không “đi”, nhưng khi lực lượng đi khỏi thì họ xả bừa bãi.
Một điểm cũng thu hút những người tiểu bậy là hàng rào hoa giấy rất đẹp giữa hai làn trên phố Nguyễn Hoàng. Mặc dù hàng rào này được trồng là để con đường trở nên xanh, sạch, đẹp hơn nhưng đáng buồn là nó lại bị người dân lợi dụng để tiểu bậy.
Không thương cả di tích văn hóa
Ông Đoàn – thợ cắt tóc ở vỉa hè phố Văn Miếu rất bức xúc trước thực trạng mất vệ sinh quanh khu vực Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Theo ông Đoàn, đây là khu vực có rất nhiều xe ô tô lớn đỗ lại để khách nước ngoài vào tham quan, tạo ra rất nhiều góc khuất phía trong vỉa hè. Chính điều này đã tạo cơ hội thuận lợi cho những người vô ý thức đi vệ sinh bừa bãi, trong đó phần lớn là các lái xe đường dài và người lao động vãng lai.
|
“Trước đây, họ còn dè dặt chỉ dám tiểu bậy vào ban đêm. Nhưng một số người ngày càng ngang nhiên, coi đó là chuyện bình thường và có những hành động vô ý thức ngay trước mắt của bao nhiêu người qua lại”, ông Đoàn nhận xét. Những hôm trời nóng hoặc thời tiết ẩm thấp, mùi hôi thối bốc lên gây cảm giác vô cùng khó chịu đối với người đi bộ và những người bán hàng khu vực xung quanh. Hàng ngày, trước khi mở hàng, việc đầu tiên của họ luôn là dọn vệ sinh quanh chỗ mình ngồi.
Theo ghi nhận của phóng viên, một góc vỉa hè phố Văn Miếu, đối diện khu dân cư văn hóa là nơi tập kết nhiều thùng chứa rác, gây mất mỹ quan, mất vệ sinh. Nhiều người dân phản ánh, việc các thùng rác tập trung tại một nơi, đôi khi tràn ra cả lòng đường, cũng là một địa điểm “lý tưởng” cho những người vô ý thức xả bậy.
Điểm tập kết rác trên vỉa hè Văn Miếu vô tình trở thành điểm "tiểu bậy" - Ảnh: Linh Chi |
Khách du lịch chứng kiến cảnh tượng này đều tỏ ra ngán ngẩm. Ông Đoàn đã nhiều lần chứng kiến khách du lịch bày tỏ thái độ trước hành vi vô văn hóa của một số người Việt. Ông Đoàn cho rằng: “Khách đến chơi mà thấy nhà mình bẩn thì mình làm sao giữ được thể diện của chủ nhà”.
Không chỉ ở riêng khu vực Văn Miếu, gần Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại phố Tông Đản – Tràng Tiền cũng xuất hiện khá nhiều trường hợp “giải quyết” ngay tại vườn hoa phía đối diện hoặc ngay hàng rào của bảo tàng.
Không dễ dẹp nạn tiểu bậy
Thực tế cho thấy, quanh các khu vực bến xe, bến tàu, khu di tích lịch sử thường nhiều hàng quán, đông người dân và khách du lịch đến tham quan thì lại thiếu nhà vệ sinh lưu động để giải quyết nhu cầu tối thiểu của con người. Dù vô cùng bức xúc nhưng nhiều người cũng lắc đầu ngao ngán, bởi bản thân họ cũng không nhìn ra biện pháp nào “lịch sự” hơn.
Trong khi đó, việc xử lý hành vi tiểu bậy lại gặp nhiều khó khăn. Theo quy định, mỗi hành vi như vậy sẽ bị xử phạt 200.000 đồng nhưng việc xử phạt không dễ. “Đã có một số trường hợp vi phạm được chúng tôi mời về trụ sở để xử lý, nhưng khi yêu cầu nộp phạt thì họ lại nói đến bến xe để đi về quê, mua vé xe rồi, xe chuẩn bị chạy, nếu không cho họ đi họ sẽ bị lỡ xe”, Thiếu tá Đinh Văn Thanh, Trưởng CA phường Mỹ Đình 2 kể lại. Khi lập biên bản, ra quyết định xử phạt, người vi phạm phải mang quyết định đó đến Kho bạc nộp phạt, rồi mang biên lai về trụ sở, nhưng khi CA yêu cầu xuất trình giấy tờ tùy thân thì họ không mang nên không có gì để bảo đảm khi họ đi nộp tiền xong họ sẽ quay lại. Hơn nữa, những người tiểu bậy chủ yếu là người ngoại tỉnh, họ trình bày ra Hà Nội chữa bệnh, hết tiền, không có tiền về quê. “Thế nên, chúng tôi lại phải thông cảm”, Thiếu tá Thanh trình bày những khó khăn.
Để hạn chế tối đa, tiến tới chấm dứt tình trạng tiểu bậy trên địa bàn phường Mỹ Đình 2 nói chung và khu vực bến xe Mỹ Đình nói riêng, bà Nguyễn Thị Hồng Phương cho rằng, cần tăng cường nhà vệ sinh ở ngoài bến xe. Theo bà Phương, với lưu lượng người ra vào bến xe đông như vậy, khu vực bên ngoài bến xe cần có ít nhất 3 nhà vệ sinh công cộng. Nhà vệ sinh cần miễn phí để khuyến khích người dân đi vệ sinh đúng chỗ.
Cả đường Nguyễn Hoàng chỉ có mỗi một nhà vệ sinh công cộng - Ảnh: Ngô Hương |
Bà Phương khẳng định, sắp tới phường sẽ đẩy mạnh tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là tuyên truyền về mức xử phạt đối với hành vi tiểu bậy. Đồng thời, phường Mỹ Đình 2 tiếp tục xây dựng kế hoạch ra quân về trật tự văn minh đô thị và thường xuyên tuyên truyền trên loa, nhắc nhở người nâng cao ý thức người dân về việc giữ gìn vệ sinh công cộng.
Còn Thiếu tá Đinh Văn Thanh đề xuất nên thay hàng cây hoa giấy trên phố Nguyễn Hoàng bằng dải phân cách, như thế, người dân ít có cơ hội tiểu bậy hơn. Bên cạnh đó, thời gian tới chính quyền địa phương và CA phường sẽ xử phạt một số trường hợp tiểu bậy để răn đe.
Nhưng đấy chỉ là những phương án được chính quyền địa phương đề xuất để giải quyết điểm nóng ở khu vực xung quanh bến xe Mỹ Đình. Trên địa bàn Thủ đô còn nhiều điểm nóng tương tự mà chưa thấy có phương án để giải quyết. Thậm chí, nhiều người dân còn bày tỏ thái độ không tin rằng có thể dẹp được nạn này.
Khi phóng viên HNMO đề cập đến vấn đề đi vệ sinh bừa bãi nơi công cộng, nhất là ở các di tích lịch sử - văn hóa, ông Dương sống gần khu vực Văn Miếu – Quốc Tử Giám nói thẳng: “Trước đây từng có rất nhiều phóng viên đến hỏi chúng tôi về việc này, báo chí cũng đề cập mãi đến vệ sinh môi trường nhưng cho đến nay, vấn đề vẫn chưa được xử lí, thời gian gần đây còn xuất hiện nhiều và ngang nhiên hơn”.
Rõ ràng, trước nạn "đái đường", chỉ bức xúc không thôi là chưa đủ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.