(HNMCT) - Ngày đầu xuân, chúng tôi có chuyến hành phương Bắc. Quốc lộ 4C lên miền biên ải quanh co uốn lượn. Thời tiết không thuận, mưa phùn bay mù mịt. Chiếc xe lắc lư chuyển mình trên những con dốc, một bên là vách núi, một bên là vực thẳm hun hút lởm chởm những đá.
Bỏ lại cổng trời Quản Bạ lui về phía sau, quanh tôi cứ dằng dặc miên man núi đá tai mèo, miên man mây mù dày đặc. Chao ôi đá. Những mỏm đá tai mèo sắc nhọn trải rộng tầm mắt làm chúng tôi choáng ngợp. Thỉnh thoảng bừng lên màu vàng rực sáng của những vạt hoa cải đang nở rộ hay những cây đào, cây mận nở bung sắc hồng, sắc trắng... Thiên nhiên đã ban tặng cho Hà Giang một miền đá miên man khốc liệt, đói nghèo lầm lạc cũng từ đó mà di sản kỳ vĩ đắm say cũng từ đó...
Trước những năm 1960, đường vào Đồng Văn quanh co hiểm trở, chỉ có lối mòn cho ngựa thồ và người đi bộ. Có những đoạn đường quá dốc và hẹp phải xuống nắm đuôi ngựa bò lên. Đi 150 cây số có khi đi mất cả tuần. Suốt 70 năm đô hộ Đồng Văn, dù muốn, người Pháp vẫn không làm nổi một con đường. Năm 1959, khi Đảng và Chính phủ ta quyết tâm mở đường từ Hà Giang lên Đồng Văn rồi vòng sang Mèo Vạc, hàng vạn thanh niên tình nguyện các tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định… đã nô nức về xứ đá điệp trùng này cùng với bà con thuộc 16 dân tộc Mèo, Tày, Dao, Giáy, Pu Péo, Lô Lô… của 8 tỉnh Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái đục đá mở đường. Bao năm trời sức trẻ trần người thi gan với đá “luyện tay thành chai, luyện vai thành ụ”, tay búa tay choòng phá đá, bắc cầu qua vực sâu, mởi lối qua núi cao, vực thẳm để có đường. Đoạn qua đèo Mã Pì Lèng, đệ nhất hùng quan, đã ngốn cả triệu ngày công với những thanh niên xung phong suốt 11 tháng trời phải buộc dây vào người, đu trên vách đá mở từng milimét đường. Ròng rã 6 năm trời, tuyến đường ô tô xuyên cao nguyên đá hoàn tất. Chả phải khi đó mà đến bây giờ nó vẫn là kỳ tích. Và vì thế, đã thành tên gọi - cung đường Hạnh Phúc. Đi trên con đường bi tráng này, lòng tôi bỗng rưng rưng một nỗi cảm phục.
Sà Phìn thuộc huyện Đồng Văn “có danh” trong trí nhớ của nhiều người có lẽ đó là quê hương của thủ lĩnh người Mèo Vương Chính Đức (1865 -1947) rồi tới con là Vương Chí Sình (1885 - 1962). Cụ Vương Chính Đức được đồng bào nơi đây tôn là Vua Mèo không chỉ vì cụ giàu có bậc nhất vùng này mà còn vì cụ có ảnh hưởng rất lớn trong các dân tộc vùng cao. Dinh họ Vương - một kiệt tác giữa cao nguyên đá cũng góp phần tạo nên cái uy nghiêm và danh tiếng ấy. Tòa nhà được xây dựng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 do các hiệp thợ dân tộc Hồi ở Vân Nam Trung Quốc sang xây cất trên một gò đất nằm giữa thung lũng rộng thoáng cực kỳ đắc địa. Dinh thự là sự kết hợp giữa kiến trúc Pháp, kiến trúc Trung Quốc cổ và kiến trúc Mông truyền thống. Về mặt quân sự, đây còn là một pháo đài kiên cố. Ngay cổng vào là bức đại tự Biên chinh khả phong (Chính thức sắc phong cai trị cõi biên thùy) do vua Khải Định tặng cụ Vương Chính Đức năm 1923. Rải rác trong dinh và ở những góc cột, rất nhiều hoa văn chạm trổ hình hoa anh túc… Sau cách mạng tháng Tám, họ Vương giác ngộ theo cách mạng. Ông Vương Chí Sình trở thành đại biểu Quốc hội khóa I và khóa II, từng giữ cương vị Chủ tịch Uỷ ban Hành chính huyện Đồng Văn. Ghi nhận sự đóng góp của họ Vương với sự nghiệp giải phóng dân tộc, cụ Hồ đã tặng ông Vương Chí Sình thanh gươm trên đó khắc dòng chữ: "Tận trung báo quốc. Bất thụ nô lệ" (Trung thành với đất nước, không chịu làm nô lệ). Con cháu họ Vương đã sống đúng như lời cụ Hồ cho đến ngày nay.
Tôi một mình lang thang hết qua các gian buồng, nhà ăn, kho thuốc phiện, kho vũ khí, phòng sưởi cho mùa đông, phòng cho người hầu và quân lính... của dinh. Ngay gian ngoài, những tấm ảnh gia đình họ Vương chụp với các vị lãnh đạo Nhà nước ngả màu thời gian được treo trang trọng trên tường. Sự vắng lặng và tiếng gió reo của những cành sa mộc ngoài dinh như làm ngưng lại mọi truyền thuyết cùng những ồn ào của quá khứ.
Chiều muộn, Đồng Văn chỉ có mưa, gió rét và sương mù vây chặt. Những ngôi nhà san sát ngói ống, ngói vảy thâm nâu ở trung tâm phố huyện cho ta cảm giác khó tả. Dãy phố nằm cạnh khu chợ lững lững cột đá có bề dày ngót cả thế kỷ. Câu chuyện bên chén trà nóng cùng Phó Chủ tịch huyện Đồng Văn Lý Trung Kiên (người dân tộc Mông) không muốn dứt. Sự mộc mạc, thân thiện toát ra từ cô “Hoa hậu cán bộ đoàn” năm xưa làm ấm lòng những ai lần đầu ghé miền đất nơi địa đầu Tổ quốc.
Sinh năm 1974, Lý Trung Kiên “nổi tiếng” khi còn ngồi trên ghế trường phổ thông dân tộc Nội trú tỉnh. Năm 1992, tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VI, chị vinh dự được bình chọn là “Hoa hậu cán bộ đoàn”. Ngày ấy, hình ảnh Kiên trong trang phục Mông phủ kín trên bìa báo, bìa lịch. Hai chục năm đã trôi qua nhưng Kiên vẫn giữ được những nét mặn mà thời con gái. Trở thành Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn khi mới 35 tuổi, Kiên rất xông xáo. Trong câu chuyện với chúng tôi, chị không giấu những trăn trở về cuộc sống còn nhiều khó khăn của bà con các dân tộc nơi đây nhưng cũng rất say sưa khi nói về những dự án văn hóa phát huy thế mạnh du lịch địa phương với hy vọng sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho Đồng Văn, giúp bà con đẩy lùi đói nghèo.
Đêm Đồng Văn mất điện cho chúng tôi cảm nhận riêng. Trật tự trị an rất tốt. Nhà nghỉ Khải Hoàn ngay trung tâm thị trấn cửa mở toang. Dù không phải là “Đêm hội phố cổ” nhưng những ngọn đèn lồng trước cửa dãy nhà cũ kỹ, trầm mặc rực sáng ánh lửa hồng. Bữa tối bập bùng bên ánh nến với những "đặc sản" của vùng núi như măng đắng, xúc xích gác bếp... và đặc biệt là món cải xào, ngon ngọt đến lạ lùng. Đêm biên giới mưa rét tái tê, thứ rượu ngô Lũng Cú ủ bằng men lá uống vào chỉ thấy lâng lâng…
Sáng thức giấc, sương mù dày đặc, nhiệt độ ngoài trời xuống dưới âm. Quãng đường 26 km từ thị trấn Đồng Văn lên Lũng Cú quanh co mưa gió chơi vơi, chiếc Jolie gầm gừ bám hết cua này đến cua khác… Càng lên cao, mưa và sương mù càng dày đặc. Vừa nhìn đường dưới chân, ngẩng lên đã thấy đường treo ngang đầu, nhìn ra phía trước thấy đường heo hút, lúc ẩn, lúc hiện trong núi, trong mây. Đồng hồ trên xe đo độ cao địa thế chúng tôi đang cheo leo so với mặt nước biển là một ngàn bảy trăm mét. Đến địa phận xã Ma Lé, những bông tuyết bắt bầu bay mỗi lúc một dày đặc. Lần đầu tiên trong đời được trông thấy tuyết. Tuyết phủ trắng xóa ruộng bậc thang, phủ kín những cánh đồng hoa cải vàng rực… khiến cho mảnh đất tột cùng Tổ quốc quyến rũ hơn bao giờ hết. Một khoảnh khắc tuyệt vời mà không phải ai cũng may mắn được chứng kiến.
Đến Lũng Cú, dù rất mệt nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm lội mưa, lội tuyết hăm hở leo 286 bậc đá để cảm nhận cảm giác hạnh phúc đến ngất ngây khi đứng giữa mây ngàn, được chạm tay vào cột mốc biên giới ở địa đầu Tổ Quốc. Lá cờ trên đỉnh núi Rồng là một lá cờ đặc biệt, diện tích vừa vặn 54 m2. Theo giải thích của Trung úy Ly Mí Dình - Trạm trưởng trạm Lũng Cú, đó là con số đại diện cho 54 dân tộc Việt Nam. Cứ khoảng một tuần đến 10 ngày, các chiến sĩ biên phòng Đồn 169 lại phải thay lá cờ mới do lá cờ cũ bị rách bởi phải chống chịu suốt ngày đêm với sức gió rất mạnh. Thời khắc trôi qua thật linh thiêng. Dưới chân cột cờ, phóng tầm mắt ra xa, chúng tôi mới cảm nhận hết cái hùng vĩ của một góc trời Tổ quốc. Non nước vùng biên ải gợi cảm giác lâng lâng - Đó là tình cảm của một công dân lần đầu tiên được đặt chân đến miền phên giậu của đất nước, nơi đã từng chứng kiến bao dâu bể, đổi thay. Chúng tôi xúc động chụp những tấm hình đặc biệt nhất của đời mình.
Cây lê trắng cổ thụ giữa sân đồn biên phòng Lũng Cú đẹp một màu tinh khiết. Đại ngàn cao nguyên đá đang hưởng một tiết xuân riêng biệt mà tôi là một vị khách may mắn có được…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.