(HNM) - Tiết kiệm, chống lãng phí là chủ trương được TP Hà Nội quán triệt xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành, triển khai các mặt công tác. Nhiều đơn vị, địa phương đã thực hiện tốt chủ trương này...
Hiện tượng lãng phí đã và đang xuất hiện trên nhiều lĩnh vực. Quá trình kiểm tra nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại một số địa phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế dẫn đến lãng phí, suy giảm nguồn lực, cản trở phát triển. Những tồn tại đó đã trở thành thách thức đối với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, cần được khắc phục.
Một trong những biểu hiện lãng phí là đầu tư dàn trải trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng. Tại không ít địa phương, do tư duy cục bộ nên chính quyền lập và triển khai những dự án hạ tầng manh mún, mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp.
Chẳng hạn, một số tuyến đường ở khu vực ngoại thành do không được quy hoạch cụ thể, đầu tư đồng bộ nên không đồng nhất về chất lượng, thời gian thi công dẫn đến đoạn còn tốt, đoạn đã xuống cấp phải liên tục sửa chữa, vừa tốn kém, vừa ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân.
Ngay như việc xây dựng, tu bổ tuyến đê sông Tích qua địa bàn một số huyện và thị xã Sơn Tây, mỗi địa phương có những đề xuất, kiến nghị khác nhau dẫn đến nguy cơ tuyến đê không đồng nhất, thiếu công năng. Vì vậy, Chủ tịch UBND thành phố đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp cùng các huyện, thị xã để đưa ra phương án thống nhất cho toàn tuyến.
Để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bên cạnh thắt chặt kỷ luật tài chính, ngân sách, Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo ưu tiên tập trung vốn cho đầu tư các dự án, lĩnh vực trọng điểm, then chốt, có tác động lan tỏa về kinh tế. Mặt khác, các đơn vị, địa phương phải nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công, thể hiện ngay từ khâu lập, phê duyệt quy hoạch, dự án. Thời gian tới, thành phố cũng không phê duyệt vốn cho việc xây dựng trụ sở, trừ quận Bắc Từ Liêm mới chia tách...
Một hình thức lãng phí khác là hệ thống hành chính công còn cồng kềnh, chưa hiệu quả. Điều này đã được Trung ương cũng như thành phố chỉ rõ, từ đó xây dựng và ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch để khắc phục, đặc biệt là Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Song song với đó là tăng cường cải cách hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin.
Riêng năm 2017, số lượt công dân truy cập dịch vụ công trực tuyến tăng 931% so với năm 2016; tổng số hồ sơ đã tiếp nhận giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 là 8,8 triệu hồ sơ, trong đó các cơ quan hành chính của thành phố là 4 triệu hồ sơ. Tuy nhiên, so với yêu cầu thì thành phố vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung chỉ đạo, trong năm 2018, công tác sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập cần được tiếp tục triển khai quyết liệt. Bên cạnh đó, các cơ quan, địa phương cần nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập, tăng cường giao quyền tự chủ, giảm mạnh chi ngân sách nhà nước cho khu vực này. Một biện pháp khác là thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công, đồng thời tạo cơ chế thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập sớm tự chủ về tài chính...
Hiện nay, Hà Nội đã ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018. Mục tiêu của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là tập trung xây dựng các giải pháp nâng cao hiệu quả, nhằm phát huy cao nhất mọi nguồn lực cho tăng trưởng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Cùng với việc tiếp tục tiết kiệm chi thường xuyên, giảm các khoản chi phí lễ nghi không cần thiết thì việc thắt chặt quản lý đầu tư công và cải cách hành chính là hai biện pháp đem lại hiệu quả cao, có tác động tích cực, lâu dài trong việc sử dụng hợp lý các nguồn lực để phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.