(HNM) - Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng, việc tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp ở thanh thiếu niên.
Huyết áp cao trong thời thơ ấu và thanh thiếu niên là một yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp và bệnh tim khi trưởng thành. Khi huyết áp quá cao sẽ trở thành chứng tăng huyết áp gây ra các cơn đau tim và đột quỵ.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Anh cho thấy, thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên có huyết áp tâm trương cao hơn, nếu tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm, chẳng hạn như sống ở khu vực bị ô nhiễm nặng, đặc biệt là ô nhiễm không khí dạng hạt mịn, được gọi là PM2.5 và PM10. Các hạt vật chất này thường bị thải ra ngoài từ ô tô, khói đốt gỗ hoặc quá trình đốt cháy nhiên liệu trong ngành xây dựng và sản xuất. Ô nhiễm là một yếu tố gây chênh lệch sức khỏe giữa các nhóm trẻ khác nhau. Giảm ô nhiễm là chìa khóa để khắc phục sự bất bình đẳng về sức khỏe.
Theo các nhà nghiên cứu, bảo vệ tương lai của thanh thiếu niên là ưu tiên cấp bách về sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, cần phải có những nghiên cứu chất lượng cao, bao gồm đánh giá theo giới tính, hoàn cảnh kinh tế - xã hội và tình trạng cân nặng, để theo dõi mức độ tiếp xúc của trẻ em với không khí ô nhiễm và ngăn ngừa tác động xấu đến sức khỏe của chúng.
Cho đến nay, ảnh hưởng của không khí ô nhiễm đối với bệnh tim và đột quỵ ở người lớn đã được ghi nhận rõ ràng, nhưng các nghiên cứu ở trẻ em cho thấy kết quả không nhất quán. Tuy nhiên, có mối liên hệ đáng kể giữa không khí bị ô nhiễm và sự gia tăng huyết áp ở thanh thiếu niên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.