LTS: Ngày 25-5-2017, Thành ủy Hà Nội ban hành Quyết định số 2200-QĐ/TU về “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân”. Sau 5 năm, hoạt động tiếp xúc, đối thoại đã được thực hiện nền nếp, bài bản, đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Báo Hànộimới xin giới thiệu loạt bài “Tiếp xúc, đối thoại - Kịp thời tháo gỡ những “điểm nghẽn” chính sách” nhằm thêm một góc nhìn về chủ trương quan trọng này.
Quy chế tiếp xúc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và nhân dân do Thành ủy Hà Nội ban hành đã giúp tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn” chính sách. Qua đó, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân khi triển khai các chủ trương, chính sách quan trọng của Trung ương và thành phố.
Đi trước một bước
Với vai trò đặc biệt quan trọng là Thủ đô của cả nước, Hà Nội luôn đứng trước nhiều thách thức lớn trong quá trình phát triển để xứng đáng với vị thế và kỳ vọng của nhân dân cả nước. Do đó, việc phát huy dân chủ trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội vừa là mục tiêu, yêu cầu, vừa là giải pháp để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của thành phố. Quyết định số 2200-QĐ/TU về “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân” được Thành ủy Hà Nội ban hành ngày 25-5-2017 xuất phát từ kinh nghiệm thực tế và đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong quá trình phát triển của Thủ đô.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, ngay sau khi ban hành Quyết định số 2200-QĐ/TU, Thành ủy đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội từ thành phố đến cơ sở tổ chức quán triệt, triển khai sâu rộng nội dung quyết định tới cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thường trực HĐND thành phố đã tham dự đầy đủ các cuộc đối thoại của Thường trực Thành ủy với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân; tham gia trả lời, giải quyết những kiến nghị, đề xuất tại các hội nghị theo thẩm quyền.
Thống kê cho thấy, từ năm 2017 đến nay, cấp thành phố đã tổ chức được 18 hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa đồng chí Bí thư Thành ủy, Thường trực Thành ủy với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức chính trị xã hội, cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Đã có hơn 2.500 lượt người tham gia hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của các đồng chí Thường trực Thành ủy với gần 300 ý kiến góp ý, kiến nghị đã được tiếp thu, giải quyết. Cấp huyện định kỳ tổ chức được 210 hội nghị; thu hút 47.674 lượt người tham gia với 8.403 lượt ý kiến được cấp ủy, chính quyền tiếp thu, trả lời (chiếm 98,4%). Cấp xã, phường, thị trấn tổ chức được 2.984 hội nghị; thu hút 281.764 lượt người tham gia với 41.321 lượt ý kiến được cấp ủy, chính quyền tiếp thu, trả lời (chiếm 97%).
Đáng chú ý, trong 5 năm qua, các quận, huyện, thị xã đã tổ chức được 826 hội nghị tiếp xúc, đối thoại đột xuất với 34.525 lượt người tham gia và 96,63% ý kiến đã được cấp ủy, chính quyền tiếp thu, trả lời. Việc tổ chức các hội nghị đối thoại đột xuất thể hiện sự chủ động của cấp ủy, chính quyền trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, dự báo chính xác tình hình, nhất là xác định trước các nguy cơ tiềm ẩn phức tạp để đối thoại, tháo gỡ, không phát sinh “điểm nóng”; đi trước một bước trong công tác tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận trong nhân dân trước những vấn đề quan trọng tại địa phương.
Việc thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU cũng góp phần tích cực trong bảo đảm ổn định an ninh, trật tự. Sau 5 năm, số lượng khiếu nại, tố cáo trên địa bàn Thủ đô đã giảm rõ rệt. Nếu như năm 2017, thành phố tiếp nhận 7.214 đơn khiếu nại và 5.146 đơn tố cáo; đến năm 2021, còn 446 đơn khiếu nại và 254 đơn tố cáo.
Lựa chọn vấn đề dân sinh để tiếp xúc, đối thoại
Chia sẻ về hiệu quả của hoạt động tiếp xúc, đối thoại, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cho biết, 5 năm qua, quận Tây Hồ đã trao đổi, làm rõ và trả lời trực tiếp tại hội nghị 2.052/2.646 ý kiến, đạt 77,5%. Quận cũng lựa chọn những vấn đề liên quan thiết thực đến đời sống dân sinh như: Công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, giải phóng mặt bằng, vệ sinh môi trường để thực hiện đối thoại... Nhờ vậy, trong 2 năm 2021, 2022, chỉ số cải cách hành chính của quận Tây Hồ đứng thứ 5/30 quận, huyện, thị xã của thành phố.
Trong khi đó, Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến thông tin, qua 5 năm thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU, quận đã tổ chức 8 hội nghị định kỳ cấp quận với sự tham gia của 1.733 đại biểu. Nhiều kiến nghị của nhân dân trong triển khai các dự án lớn đã được các cơ quan chức năng tham mưu xử lý giải quyết hiệu quả như: Dự án đường Vành đai 1, dự án đường Liễu Giai - Núi Trúc. Đặc biệt, ngành Giáo dục - Đào tạo quận đã tổ chức 334 hội nghị đối thoại với đội ngũ cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh, tạo bầu không khí dân chủ trong hội đồng sư phạm của nhà trường.
Còn Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Quốc Oai Đàm Công Lợi chia sẻ, cùng với việc tổ chức các cuộc đối thoại định kỳ thu hút 2.810 đại biểu tham dự, huyện đã tổ chức 55 cuộc tiếp xúc, đối thoại đột xuất, tập trung vào các vấn đề như: Giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, vi phạm trật tự xây dựng với 3.079 người tham dự; trực tiếp giải quyết 749 ý kiến ngay tại hội nghị…
Không chỉ các địa phương trên, hoạt động tiếp xúc, đối thoại cũng đã được 27 quận, huyện, thị xã còn lại thực hiện đột xuất và định kỳ. Theo Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 2 (phường Bưởi, quận Tây Hồ) Nguyễn Mạnh Hùng, 100% dự án trên địa bàn quận đều có lãnh đạo UBND quận trực tiếp đối thoại để tiếp thu, giải quyết dứt điểm những vướng mắc, kiến nghị của nhân dân về chính sách hỗ trợ, bồi thường, bố trí nhà tái định cư… Qua đó, đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, giúp các dự án thi công bảo đảm tiến độ.
Trưởng ban Công tác Mặt trận, Tổ trưởng tổ dân phố số 8 (phường Điện Biên, quận Ba Đình) Nguyễn Đăng Bình chia sẻ, nhờ có sự đồng thuận, nhất trí giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân, tổ dân phố đã xây dựng thành công mô hình tổ dân phố kiểu mẫu về văn minh đô thị. Các hộ dân đã tự nguyện tháo dỡ mái che, mái vẩy, sắp xếp nơi để xe, xóa bỏ các điểm tập kết rác trái quy định…, đem lại diện mạo mới văn minh, sạch đẹp cho địa bàn dân cư.
Đánh giá về kết quả triển khai Quyết định số 2200-QĐ/TU sau đợt kiểm tra thực tế tại 7 quận, huyện trên địa bàn thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Trịnh Huy Thành cho biết, sau 5 năm thực hiện quyết định trên đã góp phần nâng cao nhận thức của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức đối với việc phát huy dân chủ tại cơ sở. Nhận thức của người dân về quyền làm chủ cũng sâu sắc, toàn diện hơn.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, nhiều địa phương đã nghiên cứu, thực hiện những hình thức đổi mới, sáng tạo trong tiếp xúc, đối thoại để kịp thời giải quyết việc khó, việc chưa có tiền lệ tại địa phương. Kết quả này cho thấy, Quyết định số 2200-QĐ/TU của Thành ủy Hà Nội đã có tác dụng rõ rệt trong việc giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giải quyết các vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở trên tinh thần “trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với nhân dân”; tác dụng đào tạo, rèn luyện cán bộ lãnh đạo, quản lý về kiến thức, kỹ năng, tác phong, bản lĩnh khi thực thi nhiệm vụ.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.