Các shop kinh doanh hàng xách tay đã thay đổi phương thức vận chuyển và tăng giá nhiều sản phẩm.
Các cửa hàng kinh doanh hàng xách tay mọc lên như nấm và việc khách hàng ưa chuộng, tìm đến hàng xách tay không còn là điều mới mẻ trong thời gian qua. Có thể bắt gặp vô số những biển hiệu “Hàng xách tay Nhật, Hàn Quốc, Mỹ,…” trên nhiều con phố như phố Nguyễn Sơn (Long Biên, Hà Nội). Hàng “xách tay” thường do tiếp viên hoặc phi công các hãng hàng không mang về. Việc kinh doanh hàng xách tay đem lại khá nhiều lợi nhuận cho các tiếp viên hàng không và các chủ shop kinh doanh, khách hàng lại cũng có tâm lý thấy yên tâm hơn khi sử dụng những sản phẩm “xách tay” từ nước ngoài về. Chính vì vậy mà hình thức kinh doanh này luôn được ưa chuộng.
Mỹ phẩm xách tay được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng (Ảnh: KT) |
Thông thường, chênh lệch giữa giá gốc với hàng bán lại trong nước thường khoảng 25-50%, tùy sản phẩm. Tiền công mà các mối nhận vận chuyển cũng khá cao, hàng bánh kẹo, thực phẩm là 210.000 đồng/kg; quần áo, giày dép giá 240.000 đồng/ kg; mỹ phẩm, dưỡng da 250.000 đồng/kg. Các loại nồi, đồ dùng gia dụng, điện thoại , laptop... dao động từ 500.000-1,5 triệu đồng/sản phẩm.
Trung bình, khoảng 7-15 ngày sau khi các shop đặt hàng, hàng sẽ về đến Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường hàng xách tay có khá nhiều biến động sau những thông tin liên quan đến tiếp viên hàng không Việt Nam ăn cắp, xách tay hàng hóa bị nghi là ăn cắp hoặc không rõ nguồn gốc. Việc các nhân viên hàng không bị giám sát chặt chẽ đã gây ra khá nhiều khó khăn đối với các shop có hình thức kinh doanh này.
Nhiều shop kinh doanh hàng xách tay hoặc cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng đã phải chuyển phương thức vận chuyển và ngừng nhận đặt một số mặt hàng. Ngoài ra, nhiều mặt hàng xách tay Nhật theo đó cũng đồng loạt tăng giá.
Anh Khánh (Thanh Xuân, Hà Nội), chuyên bán hàng xách tay Nhật cho biết, sau vụ tiếp viên hàng không bị nghi buôn lậu và bị giới hạn kích thước vali, cửa hàng anh đã phải ngừng nhận một số mặt hàng cồng kềnh như sữa bột hoặc bánh kẹo. Khách hàng cũng được báo hàng hóa sẽ về chậm hơn so với dự kiến. “Chúng tôi chưa tăng giá bán song dự kiến hàng hóa đợt này sẽ chậm khoảng từ 3 tuần đến 1 tháng. Khách hàng hỏi liên tục nhưng cũng không biết làm thế nào”.
Anh Khánh cũng cho biết, cửa hàng anh hiện tại gần như không làm việc thông qua tiếp viên hàng không nữa mà đang chuyển sang phương thức vận chuyển khác, phí vận chuyển hầu như cũng chuyển sang tính theo cân nặng.
Ngoài ra, sau vụ tiếp viên hàng không bị bắt tại Nhật vì tình nghi xách tay hàng ăn cắp, các cửa hàng kinh doanh đồ xách tay hoặc nhận vận chuyển đồ xách tay hiện nay cũng cẩn thận hơn, chỉ nhận kinh doanh các sản phẩm có hóa đơn. Các shop cũng cho biết, trong đợt này không thể đảm bảo thời gian hàng về vì tiếp viên đang bị giám sát chặt.
Một cửa hàng bán đồ xách tay Nhật khác trên phố Tăng Bạt Hổ (Hà Nội) cũng cho biết, sản phẩm sữa bột đang ngừng kinh doanh do không có người vận chuyển do tiếp viên không được mang vali to. Bên cạnh đó, giá các sản phẩm sẽ tăng lên do chi phí vận chuyển tăng, cộng với bên Nhật tăng thuế tiêu thụ lên 8%. Theo khảo sát của PV VOV online, các sản phẩm xách tay tăng từ 50.000-500.000 đồng/sản phẩm; hoặc 100.000-300.000 đồng/kg.
Mặc dù đã có nhiều sự việc xảy ra xung quanh hình thức kinh doanh hàng xách tay và các tiếp viên bị tố buôn lậu, các sản phẩm xách tay dường như vẫn nhận được sự đón nhận và ưa chuộng từ người tiêu dùng.
Chị Thủy (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thường xuyên mua hàng xách tay để sử dụng, đặc biệt là thực phẩm và quần áo. Những sản phẩm xách tay thường rẻ hơn so với trong hãng và cũng nhiều mặt hàng “độc”, ít có trên thị trường.”
Việc buôn bán, vận chuyển sản phẩm xách tay lâu nay giúp không ít tiếp viên hàng không và chủ shop kiếm thêm thu nhập và không phải tất cả các sản phẩm đều là hàng ăn cắp, song thực tế có nhiều shop kinh doanh hàng xách tay mà chưa được thông qua sự cho phép của các cơ quan quản lý nhà nước.
Trả lời trên báo Tuổi trẻ, ông Phan Hoàn Kiếm - chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM - khẳng định việc doanh nghiệp bán các sản phẩm ngoại nhập đều phải đảm bảo đầy đủ hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ cũng như tem nhãn sản phẩm bằng tiếng Việt. “Xách tay hay không chỉ là cách gọi mà thôi. Họ trưng bảng hiệu để thu hút khách hàng là chuyện của họ, còn chúng tôi vẫn thực hiện kiểm tra, xử phạt nếu có vi phạm theo đúng quy định pháp luật” - ông Kiếm khẳng định.
Các đơn vị hàng không gần đây cũng đã có nhiều cuộc tập huấn quy mô, trong đó có việc in lại các bài báo phản ánh về những hành động của tiếp viên, phi công trong và ngoài nước để rút kinh nghiệm. Đồng thời, các hãng cũng có quy định liên đới các cơ trưởng, tiếp viên trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm kiểm soát các thành viên trong phi hành đoàn mang hàng ngoài quy định và có quyền không cho thành viên vi phạm tham gia tổ bay.
Trong bối cảnh thị trường hàng xách tay còn nhiều “lộn xộn”, người tiêu dùng cũng nên trở thành một người tiêu dùng thông thái, tránh tiếp tay cho những hành vi vi phạm pháp luật và cũng để tránh “tiền mất tật mang” khi mua hàng đối với những nguồn hàng gắn mác “xách tay” không rõ nguồn gốc./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.