Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục xây dựng hội trong sạch, vững mạnh

Hiền Phương| 30/12/2022 17:06

(HNMO) - Tham luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2027, các đại biểu đã bày tỏ tiếp tục phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống “Trung thành – Đoàn kết - Gương mẫu - Đổi mới”, xây dựng tổ chức hội thực sự trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền, nhân dân.

Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội Bùi Duy Hùng: 

Tham gia xây dựng bảo vệ Đảng, Nhà nước bảo vệ nhân dân

Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội với gần 280.000 hội viên, trong đó có gần 500 cán bộ cấp tướng, hơn 15.000 cán bộ cao cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu về mọi mặt…

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Thành ủy Hà Nội, Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội đã xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng công tác tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”. Vai trò của cựu chiến binh trong tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền vững mạnh, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được thể hiện trong công tác giải phóng mặt bằng, dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, xây dựng củng cố các chi bộ còn yếu kém, giải quyết những vụ việc phức tạp tại địa phương và phát huy quyền làm chủ của người dân. 

Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội luôn duy trì có chất lượng hoạt động của “Tổ cộng tác viên dư luận xã hội”, “Tổ thương binh Cựu chiến binh phản ứng nhanh”, “Đội Cựu chiến binh xung kích”, “Đội ngũ báo cáo viên”. Cựu chiến binh thành phố Hà Nội đã vận động, cử hơn 70.000 lượt hội viên tham gia tổ tuần tra, trực chốt, giám sát cộng đồng tại hơn 5.000 điểm phòng, chống dịch ở cơ sở; cử trên 7.000 lượt hội viên tham gia các tổ tuyên truyền lưu động, tổ Covid-19 cộng đồng…, đóng góp được hơn 45 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và công tác an sinh xã hội của thành phố.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Nam Định Bùi Văn Tuất: 

Đột phá trong công tác cán bộ

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Cựu chiến binh tỉnh Nam Định đã kết nạp trên 6.700 hội viên, tăng về số lượng và nâng về chất lượng, được cấp ủy đánh giá cao.

Để nâng cao chất lượng cán bộ, Hội Cựu chiến binh tỉnh chủ trương bố trí sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp hoặc công chức các chức danh giảm biên chế làm chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp cơ sở. Đồng thời phối hợp với cơ quan quân sự địa phương cung cấp danh sách cán bộ quân đội đã nghỉ hưu trên địa bàn, cán bộ cơ quan quân sự địa phương chuẩn bị nghỉ hưu, cán bộ đang công tác tại cơ quan hội còn đủ tiêu chuẩn đưa vào quy hoạch nhiệm kỳ tới.

Đảng đoàn Hội Cựu chiến binh tỉnh trực tiếp làm việc với Đảng ủy Khối để tạo sự đồng thuận trong công tác chuẩn bị nguồn, đặc biệt là đối với chức danh Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, phường, thị trấn, cấp huyện, thành phố. Trong đó, tiêu chuẩn Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh là chỉ huy cấp sư đoàn và tương đương trở lên; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện, thành phố là trung đoàn trưởng, chính ủy trung đoàn hoặc tương đương; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, phường, thị trấn là sĩ quan quân đội nghỉ hưu hoặc hội viên cựu chiến binh.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thanh Hóa Đinh Tiến Phong: 

Thực hiện có hiệu quả công tác giúp nhau giảm nghèo bền vững

Hội Cựu chiến binh tỉnh Thanh Hóa có gần 22 vạn cán bộ, hội viên, tỷ lệ hộ nghèo của cả tỉnh nói chung và của cựu chiến binh nói riêng còn ở mức cao. Sau 5 năm tích cực phấn đấu, Hội Cựu chiến binh tỉnh đã giảm được 8.289 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 4,56% xuống còn 1,31%; tăng thêm được 42.272 hộ khá giàu; toàn tỉnh có 219/559 xã, phường, thị trấn, 17/27 huyện, thị, thành cơ bản không còn hộ cựu chiến binh nghèo.

Kết quả như trên là nhờ Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh các cấp trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động cựu chiến binh phát huy ý chí “tự lực, tự cường”, “không trông chờ, ỷ lại”, “không cam chịu đói nghèo”; hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau về vốn, giống, nguyên liệu, vật liệu, kinh nghiệm, ngày công… để vươn lên thoát nghèo, làm giàu hợp pháp; tranh thủ tối đa các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước, của địa phương về phát triển kinh tế - xã hội; huy động nhiều nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Hội Cựu chiến binh đã vận động, tín chấp và nhận ủy thác cho vay hơn 2.400 tỷ đồng, trong đó có 1.770 tỷ đồng vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội và 165 tỷ đồng vốn tự có của hội viên, còn lại vay các ngân hàng thương mại; tạo việc làm cho gần 30.000 lao động; 828 doanh nghiệp, 199 hợp tác xã, 334 tổ hợp tác, 1.320 trang trại, gần 6.000 gia trại do cựu chiến binh làm chủ. Ngoài ra, hơn 400 thành viên của Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh luôn là lực lượng tích cực trong phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo và tham gia các hoạt động tình nghĩa, từ thiện, nhân đạo ở địa phương.

Hội Cựu chiến binh tỉnh được giao làm chủ đầu tư, thực hiện có hiệu quả 6 dự án, mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, với số tiền 1,7 tỷ đồng. Có 5 sản phẩm của cựu chiến binh được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP.

Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh tỉnh phát động mỗi hội viên tiết kiệm 2.000 đồng/tháng, bằng 24.000 đồng/năm để hỗ trợ làm nhà “nghĩa tình cựu chiến binh” cho hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở. Sau 5 năm, toàn tỉnh đã làm được 668 nhà (trong đó làm mới 452 nhà, sửa chữa 216 nhà) với số tiền hỗ trợ là 23,5 tỷ đồng, trong đó có 18,3 tỷ đồng do hội viên đóng góp (bình quân mỗi năm hội viên toàn tỉnh đóng góp là 4,7 tỷ đồng). Hiện nay, Thanh Hóa đã thành lập được 265 “Câu lạc bộ Cựu chiến binh giúp nhau phát triển kinh tế” cấp xã, với 3.743 hội viên tham gia.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Hậu Giang Võ Văn Út: 

Giáo dục truyền thống yêu nước cho thanh niên

Những năm qua, Hội Cựu chiến binh các cấp trong tỉnh Hậu Giang luôn phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể chính cơ quan quân sự để tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ bằng nhiều hình thức. Đó là tổ chức các cuộc hành quân về nguồn, thăm khu di tích lịch sử; thăm, hỏi gia đình chính sách, người có công với nước, vận động hỗ trợ người già neo đơn; thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ vào các ngày lễ lớn... Đây là hình thức trực quan, giúp thế hệ trẻ ghi nhớ, tri ân những người đã hy sinh xương máu và phát huy hơn nữa, sẵn sàng tiếp bước cha anh thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

5 năm qua, toàn tỉnh có hơn 5.000 thanh niên tham gia nhập ngũ, trong đó có 102 con em hội viên cựu chiến binh, đoàn viên ưu tú được giới thiệu kết nạp vào Đảng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục xây dựng hội trong sạch, vững mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.