(HNM) - Chiều 6-7, HĐND TP Hà Nội đã thảo luận tại hội trường về việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội.
Các ý kiến đại biểu (ĐB) thảo luận đều đánh giá cao vai trò chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố, sự nỗ lực của các DN và hộ gia đình để đạt được tăng trưởng kinh tế 7,8% - cao nhất trong 4 năm qua. Để tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, bên cạnh việc tán thành những giải pháp đã nêu, nhiều ý kiến ĐB đề nghị thành phố cần làm rõ một số vấn đề như: Phân tích nguyên nhân chủ quan khiến chỉ tiêu xuất khẩu giảm sút; tập trung hỗ trợ để nâng cao sức cạnh tranh của DN trên địa bàn…
Các doanh nghiệp đã được ưu đãi về thuế để phát triển sản xuất kinh doanh. Ảnh: Trần Hải |
Tiếp tục "khơi thông" xuất khẩu
Theo báo cáo của UBND thành phố, trong 6 tháng qua, xuất khẩu gặp khó khăn ở tất cả các khu vực kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu quý II-2015 ước giảm 6,2% (quý I tăng 4,3%), do vậy tính chung 6 tháng đầu năm giảm 1,2%, trong đó, xuất khẩu địa phương giảm 1,1% (cùng kỳ năm trước tăng tương ứng là 14,4% và 12,2%). Lý giải về nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu giảm, ĐB Nguyễn Hữu Thắng (Tổ Nam Từ Liêm) cho rằng, giá trị xuất khẩu giảm là do nhiều mặt hàng xuất khẩu vào thị trường các nước EU trong khi đồng euro bị mất giá mạnh so với đồng USD. Thêm nữa, trong 6 tháng đầu năm, nhiều mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Trung Đông và EU đều giảm…
Song theo phân tích của ĐB Nguyễn Đình Dương (Tổ Chương Mỹ), Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội, thì kim ngạch xuất khẩu giảm không đáng lo ngại. Cụ thể, ĐB Nguyễn Đình Dương phân tích, kim ngạch xuất khẩu có giảm, nhưng có nguyên nhân bắt nguồn từ mặt hàng xăng dầu tạm nhập, tái xuất giảm 29% (số liệu của Tổng cục Thống kê), khiến kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn giảm. Nếu loại trừ chỉ tiêu này thì kim ngạch xuất khẩu tăng chứ không giảm. Và giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng như vậy thể hiện thực lực sản xuất của kinh tế địa phương. ĐB Nguyễn Đình Dương cũng dẫn chứng số liệu khẳng định sự phát huy nội lực của kinh tế Thủ đô dựa trên chỉ tiêu đầu tư cho phát triển. Cụ thể, trong tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn ước tăng 10,4% so với cùng kỳ thì vốn nhà nước tăng 1,4%, vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,3%. Như vậy để thấy rằng trong tổng đầu tư cho phát triển tăng 10,4%, chủ yếu là do DN và hộ gia đình đầu tư. Những con số này phản ánh thực lực kinh tế trên địa bàn.
Tuy nhiên, hầu hết ý kiến đều cho rằng tập thể UBND thành phố cần phải phân tích kỹ hơn nguyên nhân khiến xuất khẩu giảm. Vì Hà Nội là Thủ đô có nhiều lợi thế về thương mại, thông tin, nắm bắt thị trường… và việc thành phố tiếp tục hỗ trợ các DN trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm là rất cần thiết.
Theo phân tích của ĐB Nguyễn Hữu Thắng thì Hà Nội cần tận dụng lợi thế đó. Khách hàng tại nhiều quốc gia trên thế giới hiện đang đánh giá cao và tín nhiệm vào sản phẩm của người Việt Nam, đây là lợi thế quan trọng trong cạnh tranh. ĐB Nguyễn Tấn Thịnh (Tổ Chương Mỹ) kiến nghị, thành phố cần tiếp tục rà soát, rút gọn thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động xuất khẩu để tạo điều kiện cho DN; đồng thời khuyến khích DN đẩy mạnh sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
Hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh
Nhiều ý kiến ĐB đặt ra vấn đề Việt Nam chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có nhiều thuận lợi và không ít thách thức. Các ĐB cũng cho rằng, tham gia các "sân chơi" lớn này, nếu không chuẩn bị kỹ thì nền kinh tế sẽ chịu sức ép lớn. Vì vậy, với các DN, một trong những đòi hỏi cần nhất hiện nay là tìm hiểu thông tin các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết.
ĐB Nguyễn Đình Dương nhấn mạnh, Sở Công thương Hà Nội cần chủ trì biên soạn các bộ tài liệu, cẩm nang về từng hiệp định (có Việt Nam tham gia), thị trường các quốc gia đối tác này giúp các DN tìm hiểu. Đặc biệt, để hỗ trợ DN nâng cao sức cạnh tranh thành phố cần chú trọng giúp DN tham gia vào chuỗi giá trị, trong đó không chỉ quan tâm đến liên kết sản xuất mà còn quan tâm đến cả yếu tố tiêu dùng mà bài học thành công của Hapro với mặt hàng vải thiều Thanh Hà là ví dụ. ĐB Nguyễn Đình Dương cũng nhấn mạnh cần nhân rộng mô hình kinh doanh đem lại chuỗi giá trị như vậy với các lĩnh vực khác.
Còn ĐB Nguyễn Hữu Thắng thì cho rằng, cả hai quan điểm Nhà nước phải hỗ trợ trực tiếp DN mới phát triển được và cứ để DN hoạt động theo luật đều không hoàn toàn đúng. Xu hướng Nhà nước ngày càng hạn chế can thiệp hành chính, tác động hỗ trợ phi vật chất, do vậy, với việc Việt Nam sẽ lần lượt tham gia các hiệp định thương mại, gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN - dự đoán sẽ tác động trực tiếp đến các mặt hàng xuất khẩu của Hà Nội, do vậy, Hà Nội cần sớm có các giải pháp "mềm" về chính sách với phát triển kinh tế, thuế quan hỗ trợ DN trong nước. Thành phố nên nghiên cứu đón bắt xu hướng mới, tạo điều kiện cho DN trên địa bàn.
Một số ĐB thì cho rằng, Luật DN, Luật Đầu tư đã có hiệu lực và như vậy các cấp, ngành, địa phương có liên quan cần tích cực triển khai, đó là giải pháp mang tính đột phá thúc đẩy DN sản xuất, kinh doanh.
Phát biểu tại hội trường, đại diện Ngân hàng Nhà nước thành phố và Cục Thuế Hà Nội cũng cho biết các giải pháp để hỗ trợ DN trên địa bàn. Cụ thể, theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước thành phố Nguyễn Thị Mai Sương (ĐB Tổ Đông Anh), hệ thống ngân hàng đã nỗ lực đáp ứng nhu cầu về vốn vào thành phố và kết quả đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (7,8%) là thể hiện sự hấp thụ vốn của nền kinh tế Thủ đô. Cụ thể huy động vốn tăng trưởng 8,2%; tổng dư nợ tín dụng đạt 1.101.868 tỷ đồng.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước thành phố cũng cho biết, hệ thống ngân hàng đã sẵn sàng tiền cho vay chương trình bình ổn giá thị trường đồng thời đề nghị các quận, huyện, sở, ngành tiếp tục rà soát nhu cầu vốn không để DN có nhu cầu vay vốn lại thiếu vốn. Ngân hàng Nhà nước thành phố cũng có cơ chế tạm ứng vốn với lãi suất hợp lý cho DN mua dự trữ hàng hóa… để thực hiện bình ổn thị trường, không trông chờ vào ngân sách thành phố.
Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, Cục cũng sẽ kiến nghị với Bộ Tài chính xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế của DN khó khăn khách quan và đã nộp hết khoản nợ thuế gốc. Đồng thời thực hiện chính sách cho nộp dần tiền thuế nợ với những trường hợp thật sự khó khăn về tài chính, không có khả năng nộp được hết một lần số nợ thuế và cho phép nộp trong 12 tháng.
Cũng trong buổi họp chiều qua với 89,13% ĐB tán thành, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm phát triển KT-XH, thu chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2015 của TP Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.