(HNM) - Trong 10 tháng của năm 2015, cả nước có 8 vụ tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem. Tuy nhiên, kết luận của Hội đồng chuyên môn đều khẳng định nguyên nhân tử vong do trùng hợp ngẫu nhiên.
Hội đồng tư vấn chuyên môn của Bộ Y tế vừa kết luận nguyên nhân gây tử vong cho bé gái ở Hải Dương sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem (ngày 25-10) vừa qua là do sốc nhiễm khuẩn trên nền khuẩn huyết. về chất lượng vắc xin Quinvaxem và quy trình tiêm chủng đều không có vấn đề gì. Trước đó, cháu bé bị tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem tại Nghệ An (ngày 20-10) cũng đã được kết luận là sốc phản vệ do cơ địa phản ứng với thuốc. Đây là hai trong số 8 vụ tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem kể từ đầu năm 2015 đến nay.
Tăng cường khám sàng lọc trước khi tiêm Quinvaxem. |
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Hội đồng chuyên môn đã kết luận 7 ca tử vong trùng hợp và một ca sốc phản vệ. Ngoài ra còn có thêm 8 ca phản ứng nặng (sốt cao, co giật, tím tái) nhưng đều đã được cấp cứu kịp thời. Ông Phu cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã tiêm hơn 3,5 triệu mũi vắc xin Quinvaxem, tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm vắc xin ở Việt Nam là 4,5/1.000.000 mũi tiêm, thấp hơn tỷ lệ khuyến cáo của nhà sản xuất và thấp hơn so với cho phép của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Theo WHO, tỷ lệ phản ứng nặng cho phép khi tiêm Quinvaxem là 20/1.000.000 mũi tiêm.
GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Trưởng dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, vắc xin Quinvaxem được sử dụng tại 94 nước với hơn 450 triệu liều. Từ tháng 6-2010 đến nay, Việt Nam cũng đã tiêm gần 25 triệu mũi Quinvaxem. Nhờ đó, tỷ lệ trẻ mắc các bệnh bạch hầu, ho gà… đã giảm hẳn. Năm 2013, sau hàng loạt các vụ tai biến sau tiêm vắc xin Quinvaxem, Bộ Y tế đã phải cho tạm dừng sử dụng trên toàn quốc. Đồng thời, Bộ cùng chuyên gia của WHO tiến hành rà soát, đánh giá từng ca phản ứng sau tiêm, gửi mẫu vắc xin sang phòng thí nghiệm của Anh để làm xét nghiệm. Các chuyên gia của WHO đã tìm ra 9 ca phản ứng có liên quan đến vắc xin trong đó có một trường hợp phản ứng nặng trên tổng số 14 triệu mũi tiêm và không có ca tử vong nào. Như vậy, so với tỷ lệ phản ứng cho phép của WHO thì tỷ lệ của Việt Nam thấp hơn nhiều lần.
Tuy nhiên, không ít người lo ngại thành phần toàn tế bào nằm trong vắc xin phòng ho gà sẽ gây ra phản ứng cho trẻ. Trong khi các vắc xin vô bào dịch vụ khác không ghi nhận các phản ứng này. GS Đặng Đức Anh nhận định: "Mỗi năm, Việt Nam sử dụng khoảng 100.000-200.000 liều vắc xin dịch vụ vô bào. Trong khi vắc xin Quinvaxem toàn tế bào thì sử dụng tới hơn 5,5 triệu liều. Do đó, việc Quinvaxem ghi nhận nhiều trường hợp phản ứng hơn cũng là dễ hiểu".
Ông Trần Đắc Phu cũng khẳng định, hiện chưa có bằng chứng nào về việc chất lượng của Quinvaxem không tốt. Thậm chí, WHO còn cho biết, Quinvaxem tuy có tỷ lệ phản ứng nhẹ (sốt, đau vết tiêm) sau tiêm lớn hơn vắc xin vô bào nhưng về tỷ lệ phản ứng nặng (co giật, tím tái) là tương đương. Vắc xin toàn tế bào Quinvaxem còn có tỷ lệ phòng bệnh tốt hơn, không phải tiêm nhắc lại nhiều lần như vắc xin vô bào. So sánh về tỷ lệ phản ứng sau tiêm đối với các vắc xin khác, ông Phu cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, vắc xin BCG phòng chống lao cho trẻ cũng đã có 6 ca tử vong sau tiêm, viêm gan B cũng có 5 ca tử vong. Nguyên nhân tử vong đều do bệnh lý trùng hợp hoặc không rõ.
"Do Quinvaxem tiêm tới 3 mũi, số lượng mũi rất lớn nên mọi người thường gặp các trường hợp phản ứng hơn so với vắc xin khác nên xảy ra định kiến. Vắc xin hay bất cứ loại thuốc nào khi sử dụng cũng đều xảy ra những phản ứng khó lường. Ngoài ra, các vắc xin này đều sử dụng cho trẻ khá nhỏ (từ sau sinh 24h đến dưới 1 tuổi) do đó, trẻ có những bệnh lý khó lường, cũng nhiều trường hợp tử vong không rõ nguyên nhân, trùng hợp với khi tiêm vắc xin" - ông Phu phân tích.
Cũng theo ông Phu, mỗi ngày, Việt Nam có khoảng 70 ca tử vong không rõ nguyên nhân của trẻ dưới 1 tuổi. "Tôi khẳng định, yếu tố đầu tiên quyết định sử dụng vắc xin nào là sự an toàn của trẻ, tiếp đó là bảo đảm tỷ lệ miễn dịch cao, rồi mới tính đến giá thành vắc xin cao hay thấp. Nếu thực sự chất lượng vắc xin không bảo đảm thì Bộ Y tế sẽ kiên quyết không sử dụng" - PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định.
Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và phát triển cộng đồng (Liên minh Vận động chính sách y tế Việt Nam) cho rằng, cần phải có những bằng chứng mạnh mẽ hơn để thuyết phục người dân. Hiện nay, hầu hết các ca tử vong sau tiêm đều kết luận là bệnh lý trùng hợp, tử vong không rõ nguyên nhân thì người dân sẽ nghi ngờ. Đáng nói là các Hội đồng chuyên môn đều do ngành Y tế tự thành lập, "vừa đá bóng, vừa thổi còi" nên người dân sẽ cho rằng các bằng chứng, kết luận của Hội đồng thiếu minh bạch, khách quan. "Nếu để người dân hoang mang, nghi ngờ sau đó bỏ tiêm chủng thì tác hại rất lớn. Hàng triệu trẻ em sẽ có nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo, chi phí y tế tốn kém, chất lượng dân số sụt giảm. Vì vậy, thành viên Hội đồng chuyên môn cần có những chuyên gia y tế độc lập, việc khám sàng lọc cũng cần kỹ càng hơn để hạn chế những ca tử vong "trùng lặp" - ông An khẳng định.
TS Trần Đắc Phu cho biết: Hiện nay, các nhà sản xuất vắc xin vô bào 6 trong 1, 5 trong 1 (phòng các bệnh tương đương với vắc xin Quinvaxem) sản xuất rất hạn chế. Từ nay đến cuối năm 2015, thậm chí 2016, số lượng Việt Nam nhập về rất ít, thậm chí là không có. Vì thế, các bậc cha mẹ không nên chờ vắc xin dịch vụ mà trì hoãn việc tiêm phòng cho con. Khi trẻ đi tiêm muộn hoặc không được tiêm sẽ dễ mắc các bệnh lây nhiễm. Ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B, Hib… mà vắc xin Quinvaxem phòng, đều là các bệnh nguy hiểm, dễ mắc, dễ biến chứng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.