(HNMO) - Ngày 30-8, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “Nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật và cải cách tư pháp” với các giáo sư, tiến sĩ, các chuyên gia pháp luật.
Theo Báo cáo công tác xây dựng pháp luật và cải cách tư pháp của UBND TP Hà Nội, công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật được HĐND, UBND thành phố quan tâm thực hiện. Từ tháng 1-2016 đến tháng 8-2017, HĐND, UBND thành phố đã ban hành 117 văn bản quy phạm pháp luật (trong đó, HĐND thành phố ban hành 30 nghị quyết; UBND thành phố ban hành 87 quyết định).
Cùng với việc ban hành văn bản theo thẩm quyền, UBND thành phố đã tập trung cho công tác tổng kết 3 năm thi hành Luật Thủ đô, qua đó đánh giá kết quả thực hiện các cơ chế chính sách và đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung một số cơ chế chính sách cần thiết cho việc xây dựng và phát triển Thủ đô. Các văn bản quy phạm pháp luật do thành phố ban hành đều bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và phát huy vai trò là công cụ quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Thủ đô.
Báo cáo cũng nêu rõ, các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp đã được Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Thành ủy, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp các quận, huyện, thị ủy, cấp ủy các cơ quan tư pháp tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, đạt kết quả khá toàn diện trên các mặt công tác.
Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao việc lần đầu tiên Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề “Nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật và cải cách tư pháp” với những người có kinh nghiệm nghiên cứu trong lĩnh vực này. Nhiều đại biểu cho rằng, công tác cải cách tư pháp từ năm 2005 đến nay có khởi sắc và đang đi đúng hướng, nhất là đã xác định được vai trò của tòa án.
Đánh giá thực trạng hoạt động xây dựng pháp luật, chất lượng các văn bản pháp luật hiện nay ở nước ta, các nhà khoa học đã chỉ rõ những bất cập và đề xuất các giải pháp, sáng kiến. Trong đó, có ý kiến cho rằng, để nâng cao chất lượng luật cần đổi mới tư duy; cần có người theo dõi suốt quá trình, đặc biệt cần tiếp tục đổi mới hơn nữa quy trình làm luật.
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu đã tiếp thu các ý kiến đóng góp rất tâm huyết, sâu sắc của các đại biểu tham gia hội nghị để hoàn thiện báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.