(HNM) - Trong khi lượng tin nhắn rác có dấu hiệu giảm thì cuộc gọi rác vẫn tiếp tục hoành hành, gây phiền phức cho khách hàng. Đáng chú ý, các cuộc gọi rác đã biến tướng thành nhiều hình thức lừa đảo mới, lan truyền thông tin nhảm gây hoang mang dư luận xã hội… Điều đó đòi hỏi cơ quan quản lý, doanh nghiệp viễn thông phải tiếp tục mạnh tay ngăn chặn tình trạng này.
Cuộc gọi rác vẫn xuất hiện
Hầu như ngày nào cũng nhận ít nhất 3 cuộc gọi giới thiệu, chào mời dịch vụ gia sư, đầu tư chứng khoán, bất động sản, chị Khánh Linh (chủ thuê bao 098xxxxx86) thông tin, các cuộc gọi này được thực hiện từ số điện thoại định danh và từ đầu số 059xxxxxxx.
Còn chị Bảo Hương (chủ thuê bao 083xxxxx68) cho biết, chị nhận được cuộc gọi từ các số cố định 024xxxxxxxx, 028xxxxxxxx, gần đây là 029xxxxxxxx chào mời dùng dịch vụ. Còn cuộc gọi từ số 076xxxxxxx tự xưng là Bộ Thông tin và Truyền thông, thông báo thuê bao sẽ bị cắt liên lạc trong vòng 2 giờ... “Biết là cuộc gọi lừa đảo nên tôi ngắt máy”, chị Bảo Hương kể.
Theo chuyên gia bảo mật, Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS) Vũ Ngọc Sơn, nhiều trường hợp nhận cuộc gọi lừa đảo, người dùng mất cảnh giác làm theo hướng dẫn, đã bị kẻ xấu chiếm quyền đăng nhập tài khoản ngân hàng và chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Ngoài cuộc gọi giả mạo cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp, gần đây còn xuất hiện các hình thức lừa đảo trên các ứng dụng Zalo, Telegram, hay cuộc gọi sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo giả mạo hình ảnh (deepfake).
Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thành Phúc cho hay, các doanh nghiệp viễn thông đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật, công nghệ để chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, đã có 243 triệu tin nhắn rác, gần 100.000 thuê bao có dấu hiệu phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi có lừa đảo bị các nhà mạng ngăn chặn. Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các nhà mạng chuẩn hóa thông tin thuê bao bảo đảm trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Kể từ ngày 15-3 đến trước ngày 15-5, từ 3,84 triệu thuê bao thuộc diện cần chuẩn hóa, sau khi cơ quan chức năng tổ chức truyền thông, áp dụng chặn một chiều, hai chiều, còn khoảng 1 triệu thuê bao chưa cập nhật, bổ sung thông tin.
6 giải pháp chặn sim rác, cuộc gọi rác
Về giải pháp ngăn chặn cuộc gọi deepfake, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) Trần Quang Hưng cho biết, để lấy được tiền của nạn nhân, đối tượng lừa đảo cần tài khoản chuyển tiền vào. Những đối tượng này mua các tài khoản ngân hàng không chính chủ với giá rẻ. Vì thế, giải pháp căn cơ là cần ngăn chặn các tài khoản không chính chủ này. Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước đồng bộ thông tin tài khoản ngân hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Với các ứng dụng nội dung, Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Thành Phúc cho hay, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất bổ sung vào Luật Viễn thông (sửa đổi) cơ sở pháp lý xử lý cuộc gọi rác trên các ứng dụng. Để ngăn chặn cuộc gọi rác, Cục Viễn thông sẽ triển khai 6 biện pháp. Đó là các doanh nghiệp viễn thông di động tiếp tục chuẩn hóa thông tin thuê bao, xử lý sim rác; tiếp tục phối hợp với Bộ Công an để xử lý các cuộc gọi lừa đảo; kiểm tra, xử lý các trạm thu phát sóng giả; đôn đốc, đánh giá việc xây dựng các hệ thống ngăn chặn cuộc gọi rác; áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các giải pháp công nghệ tiên tiến; triển khai các công cụ cho phép người sử dụng chủ động ngăn chặn cuộc gọi rác từ thiết bị của mình.
Ông Nguyễn Thành Phúc nhận định, bên cạnh mặt tích cực, sim điện thoại đã bị lợi dụng để thực hiện các hành vi phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo, tin nhắn rác. Hiện trên thế giới cũng chưa có giải pháp xử lý triệt để tình trạng này. "Việc loại bỏ các sim rác là một quá trình liên tục. Việc chuẩn hóa thông tin thuê bao vừa qua là một biện pháp giảm tình trạng sim rác, từ đó giúp các cơ quan chức năng thuận tiện hơn trong xác minh, xử lý những trường hợp vi phạm, góp phần ngăn chặn việc phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo”, ông Nguyễn Thành Phúc nhấn mạnh.
Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tổ chức thanh tra diện rộng (từ tháng 4-2023), trong đó sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề, như một cá nhân đứng tên thuê bao nhiều sim; kiểm tra, xử lý các trường hợp nhà mạng vi phạm (đình chỉ phát triển thuê bao mới).
Chiều 15-5, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính đến hết ngày 14-5, các doanh nghiệp viễn thông đã thu hồi, hủy hơn 985.000 thuê bao, chiếm 85,65% trong tổng số thuê bao đã bị khóa hai chiều (1,15 triệu thuê bao). Tính chung sau gần 1 tháng, có khoảng 165.000 thuê bao bị khóa hai chiều đến các cửa hàng giao dịch của nhà mạng cập nhật lại thông tin, bảo đảm trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.