Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục là mũi nhọn đột phá

Thành Vinh| 04/11/2015 06:31

(HNM) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI tiếp tục xác định đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) là khâu đột phá của nhiệm kỳ 2015-2020. Đây sẽ là nhiệm kỳ thứ ba Đảng bộ thành phố xác định CCHC là một trong những khâu đột phá.


Chuyển biến rõ nét

Sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong công tác CCHC của thành phố thời gian qua. Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng khẳng định: "Công tác CCHC của thành phố được thực hiện toàn diện ở cả 6 nội dung. Các nội dung, đề án giao cho các cơ quan, đơn vị về cơ bản đã hoàn thành theo kế hoạch, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô".

Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” quận Long Biên. Ảnh: Viết Thành



Theo đó, chất lượng soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền thành phố và cấp huyện về cơ bản được nâng cao; công tác rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật luôn được thành phố quan tâm. Nổi bật là thành phố đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng trình Quốc hội thông qua Luật Thủ đô; HĐND thành phố đã thông qua 11 nghị quyết, UBND thành phố ban hành 2 quyết định cụ thể hóa các quy định tại Luật Thủ đô. Công tác giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" được nâng lên rõ rệt. Đến nay, 100% các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn đã thực hiện giải quyết TTHC theo cơ chế "một cửa"; 100% các quận, huyện, thị xã đã xây dựng "Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả" theo hướng hiện đại; 94% số lượng TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp được thực hiện thông qua cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông". Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước chủ động xây dựng và triển khai Đề án "Thí điểm thực hiện cơ chế "một cửa" trong việc cung cấp dịch vụ công tại một số doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố" thu được kết quả tích cực. Bên cạnh việc lựa chọn công chức đủ năng lực, quan tâm, hỗ trợ về đời sống; các đơn vị đã chú trọng đầu tư trang thiết bị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý điều hành của cơ quan quản lý nhà nước. Tỷ lệ văn bản chỉ đạo của UBND thành phố dưới dạng điện tử đạt 100%; tỷ lệ văn bản giao dịch giữa các cơ quan nhà nước của thành phố dưới dạng điện tử đạt 80%, các cuộc họp trực tuyến/tổng số cuộc họp do UBND thành phố chủ trì đạt 50%.

Công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, công chức (CBCC) được thực hiện công khai, dân chủ, đúng quy định. Liên tục trong những năm gần đây, thành phố thực hiện đổi mới công tác thi tuyển công chức, được dư luận ghi nhận, đánh giá cao. Đề án "Thí điểm đào tạo 1.000 công chức nguồn làm việc tại xã, phường, thị trấn giai đoạn 2012-2015" để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bổ sung công chức trẻ, được đào tạo cơ bản cho đội ngũ công chức cấp xã và thay thế cho đội ngũ CBCC đến tuổi nghỉ hưu tại các cơ quan hành chính các cấp, các ngành thành phố cũng tuyển chọn được 750 học viên.

Với những cố gắng đó, Chỉ số CCHC của TP Hà Nội liên tục được Bộ Nội vụ đánh giá đạt cao. TP Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu về CCHC (năm 2012 xếp thứ 7/63, năm 2013 xếp thứ 5/63, năm 2014 xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương). Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố có sự cải thiện đáng kể (năm 2013 tăng 18 bậc so với năm 2012, năm 2014 tăng 7 bậc so với năm 2013, thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành khá).

Tiếp tục là khâu đột phá

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của Thủ đô. Đáng lưu ý là mặc dù chỉ số PCI của thành phố có nhiều cải thiện nhưng một số tiêu chí đánh giá còn thấp, chưa có sự chuyển biến đáng kể như: Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, tính năng động và tiên phong của các cấp chính quyền, chi phí không chính thức, chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước, thiết chế pháp lý. Số lượng các TTHC thực hiện theo cơ chế "một cửa liên thông" còn ít. Chất lượng đội ngũ CBCC có nơi, có chỗ chưa đồng đều, còn yếu; nhất là năng lực phát hiện những vấn đề vướng mắc, tham mưu và đề xuất biện pháp giải quyết... Tại Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI cũng đánh giá: "CCHC còn nhiều việc phải làm".

Phó Bí thư Thành ủy khóa XV, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định, thực tế đó cho thấy, CCHC vẫn phải là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá thành phố cần tiếp tục xác định để tập trung thực hiện nhằm tạo chuyển biến mạnh hơn nữa. Thời gian tới, cùng với việc triển khai toàn diện các nhiệm vụ trong công tác CCHC, thành phố cần tập trung thực hiện tốt hơn nhiệm vụ cải cách thể chế; đồng thời đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính, dịch vụ công; quan tâm chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC, gắn với cải cách chính sách tiền lương, nhằm tạo động lực để CBCCVC thực thi công vụ có chất lượng, hiệu quả.

Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố xác định một trong ba khâu đột phá của Đảng bộ thành phố trong nhiệm kỳ 2015-2020 là tiếp tục đẩy mạnh CCHC, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ CBCC; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thủ đô. Trong nhiệm kỳ này, Hà Nội phấn đấu đi đầu cả nước trong thực hiện các mục tiêu chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020; vươn lên tốp đầu về PCI vào năm 2020.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục là mũi nhọn đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.