(HNMO) - Ngày 25-4, tại Văn phòng Chính phủ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Lê Văn Thành chủ trì hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022.
Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Dương Đức Tuấn chủ trì hội nghị tại điểm cầu thành phố Hà Nội.
Báo cáo tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021, triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, năm 2021, thiên tai, sự cố xảy ra trên phạm vi toàn quốc đã làm 108 người chết và mất tích (giảm 70% so với năm 2020), thiệt hại về kinh tế hơn 5.200 tỷ đồng (giảm 87% so với năm 2020). Từ đầu năm 2022 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thiệt hại khoảng 2.400 tỷ đồng…
Nhận định về tình hình thời tiết, thiên tai năm 2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Trần Hồng Thái dự báo, bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện trên khu vực Biển Đông sớm hơn so với trung bình nhiều năm với khoảng 10-12 cơn; trong đó 4-6 cơn có thể ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Mùa mưa tại các khu vực: Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ bắt đầu sớm hơn với tổng lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ năm 2022 trên các sông ở Bắc Bộ phổ biến ở mức báo động cấp I và cấp II…
“Trong những năm xảy ra sự chuyển pha của ENSO như năm 2022, các hiện tượng thời tiết, khí hậu như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ... thường có những diễn biến trái quy luật”, ông Trần Hồng Thái nhấn mạnh.
Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh: Hà Giang, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam, Phú Yên, Kon Tum, Cà Mau và các bộ, ngành, tổ chức quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai…
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá năm 2021, thiệt hại do thiên tai gây ra là thấp nhất so với nhiều năm qua.
Phó Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống thiên tai năm 2021, như: Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai tuy đã có nhiều cố gắng nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, phương tiện, trang thiết bị, công cụ, vật tư phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn vừa thiếu về số lượng, vừa chưa phù hợp với đặc điểm thiên tai từng vùng, từng lĩnh vực, dẫn tới những bị động trong ứng phó, cứu hộ, cứu nạn trong nhiều tình huống. Việc đầu tư, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng như hệ thống đê điều, thủy lợi còn hạn chế. Công tác hỗ trợ, triển khai khắc phục hậu quả thiên tai còn bất cập, thủ tục rườm rà gây chậm trễ, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Công tác vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện còn tồn tại, bất cập, nhất là sự phối hợp giữa các đơn vị quản lý hồ và địa phương chưa tốt…
Để giảm tổn thất do thiên tai gây ra trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải đổi mới, nâng cao năng lực công tác theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai.
Các bộ, ngành, địa phương triển khai ngay công tác kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2022; nâng cao chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, huy động và phối hợp lực lượng ứng phó với diễn biến thiên tai, sự cố; tiếp tục củng cố lực lượng xung kích, xây dựng lực lượng chuyên nghiệp trong công tác phòng, chống thiên tai; đẩy mạnh truyền thông, kỹ năng phòng, chống thiên tai cho người dân; quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai bằng nhiều nguồn vốn…
“Chúng ta sẽ cố gắng cao nhất với mục tiêu giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, phấn đấu năm 2022 thiệt hại về người về tài sản thấp hơn năm 2021”, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.
Tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2021.
Thông tin tại điểm cầu thành phố Hà Nội, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Nguyễn Duy Du cho biết, năm 2021, Hà Nội chịu ảnh hưởng 5 cơn bão và hoàn lưu bão, 15 đợt mưa, 15 đợt không khí lạnh và 9 đợt nắng nóng, gây ra 40 sự cố đê điều, thủy lợi, ảnh hưởng đời sống người dân... Hà Nội cũng xảy ra 326 vụ cháy làm 12 người chết, 21 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 26 tỷ đồng… Bốn tháng đầu năm 2022, thiên tai (rét đậm, rét hại, mưa dông) đã làm ngập 23,5ha và mất trắng 4ha lúa mới cấy.
Để giảm tổn thất do thiên tai gây ra trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm bố trí ngân sách trung ương hỗ trợ thành phố triển khai các giải pháp xóa bỏ các vị trí đê điều trọng điểm; sớm điều chỉnh quy hoạch đê điều cho phù hợp thực tế, giải quyết nhu cầu cấp thiết của nhân dân ở một số vùng, bãi sông hiện có; có giải pháp tổng thể trong ứng phó lũ rừng ngang trên lưu vực sông Bùi, sông Tích, khu vực huyện Chương Mỹ và Mỹ Đức…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.