(HNM) - Để hoạt động tiếp công dân, giải quyết đơn thư hiệu quả, ngoài việc đòi hỏi đại biểu HĐND các cấp am hiểu về pháp luật thì việc tiếp tục đổi mới công tác này là cần thiết - Đây là nội dung được nhiều đại biểu HĐND các quận, huyện, thị xã và lãnh đạo Ban Tiếp công dân thành phố thống nhất tại hội nghị chuyên đề "Công tác tiếp công dân và xử lý, đôn đốc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân" do Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức mới đây.
Còn nhiều hạn chế
Theo báo cáo của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội, hoạt động tiếp công dân của đại biểu HĐND các cấp, nhất là cấp quận, huyện, thị xã và cơ sở hiệu quả chưa cao. Một số đại biểu chưa chủ động bố trí thời gian để tham gia tiếp dân, tiếp nhận đơn thư phản ánh, kiến nghị của công dân. Việc nghiên cứu các văn bản, quy định về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư của đại biểu có nơi chưa đầy đủ, kịp thời. Việc tổng hợp, cập nhật, xây dựng hệ thống theo dõi số liệu giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo chưa được thực hiện tốt…
Đồng tình với nhận định trên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ứng Hòa Phạm Anh Tuấn cho biết, công tác theo dõi, đôn đốc và giám sát các vụ việc khiếu nại, tố cáo của các tổ đại biểu, đại biểu HĐND chưa sát sao. Nguyên do là việc giữ mối liên hệ của một số đại biểu với cử tri không thường xuyên, nên công tác nắm bắt diễn tiến vụ việc đứt quãng, dẫn đến hạn chế trong trả lời, phân loại, chuyển đơn.
Theo Chủ tịch HĐND quận Ba Đình Nguyễn Công Thành, đại biểu HĐND đa dạng thành phần, trong khi đó công tác tiếp công dân, tiếp nhận các vụ việc khiếu nại, tố cáo đa phần phức tạp do liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, giải quyết chính sách... Thực tế cho thấy, rất nhiều đại biểu HĐND thiếu kiến thức trong lĩnh vực tư pháp, hoạt động thu thập thông tin yếu, nên ảnh hưởng đến chất lượng tiếp công dân và phân loại xử lý đơn thư.
Phó Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Phương Ngọc Ánh chia sẻ từ thực tiễn của quận rằng, đa số đại biểu HĐND quận là kiêm nhiệm, nên thường ủy quyền cho đại biểu là thường trực HĐND nơi ứng cử tiếp công dân thay mình.
Không chỉ có những tồn tại, hạn chế trong hoạt động tiếp công dân của HĐND các cấp, ngay cả bộ phận chuyên trách tiếp công dân của UBND các cấp cũng còn nhiều bất cập. Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tiếp công dân thành phố Lê Đình Cung, có hiện tượng cứ nhận được đơn thì “kính chuyển”, không đọc kỹ, phân loại, xem xét, gây trùng lặp. Cùng với đó, công tác theo dõi, xử lý, đôn đốc giải quyết các vụ việc của HĐND, UBND các cấp còn chậm, kể cả chậm báo cáo, thông tin vụ việc đã giải quyết ở mức nào, dẫn đến khó khăn trong điều hành xử lý, gây lãng phí thời gian, công văn, giấy tờ từ trên xuống dưới.
Việc trùng lặp nội dung đơn thư là có cơ sở, bởi theo tổng hợp từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, HĐND thành phố Hà Nội tiếp nhận 5.325 đơn, trong đó có hơn 4.000 đơn trùng lặp nội dung, đơn không phải chữ ký “tươi” theo quy định, đơn đã được các cơ quan giải quyết hết thẩm quyền... “Vấn đề là phải nắm chắc từng vụ việc, mới có thể phân loại, chuyển đúng địa chỉ” - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Coi trọng vị trí cán bộ tiếp công dân
Cử tri Nguyễn Ngọc Tấn (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) góp ý, vấn đề kiểm tra, giám sát việc tiếp công dân cần được thực hiện thường xuyên hơn nữa. Có như vậy mới khắc phục việc tiếp công dân có lúc, có nơi còn hình thức, một số đại biểu chưa thực hiện hết trách nhiệm.
“Hiện nay, một số lãnh đạo cấp ủy, chính quyền chưa coi trọng công tác tiếp công dân nên đã bố trí, điều chuyển cán bộ, công chức tiếp dân không am hiểu về quản lý nhà nước, hoặc công chức sắp nghỉ hưu, chất lượng hoàn thành công việc thấp ở bộ phận khác sang làm nhiệm vụ tiếp công dân. Tình trạng trên cần được khắc phục, đặc biệt phải coi cán bộ tham gia tiếp công dân là một trong những vị trí công việc để quy hoạch cán bộ” - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tiếp công dân thành phố Lê Đình Cung nêu vấn đề.
Từ hoạt động của đơn vị, nhiều đại biểu HĐND các quận, huyện: Hà Đông, Thường Tín, Nam Từ Liêm cho rằng, để hoạt động tiếp công dân hiệu quả, mỗi đại biểu phải thường xuyên tự nâng cao kiến thức, nhất là việc cập nhật chính sách, quy định mới, để giải đáp, tuyên truyền cho nhân dân ngay tại buổi tiếp công dân. Đồng thời, cần phối hợp tốt với bộ phận tiếp công dân các cơ quan, đơn vị nơi ứng cử để phân loại, chuyển đơn đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Phó Chủ tịch HĐND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho rằng, do đặc thù là cơ quan dân cử, đại biểu đa lĩnh vực, ngành nghề, nên cần thường xuyên trao đổi, thảo luận với cán bộ, công chức thuộc các đơn vị chuyên môn và nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhằm vừa củng cố kiến thức, vừa phối hợp giải quyết tốt các vụ việc.
Còn theo Phó Chủ tịch HĐND quận Hà Đông Trần Văn Hải, công tác tổng hợp, phân loại đơn thư nhận được từ các buổi tiếp công dân rất quan trọng. Nếu làm tốt khâu này sẽ bảo đảm vụ việc công dân khiếu nại, tố cáo sẽ đến đúng địa chỉ giải quyết. Muốn vậy, HĐND mỗi cấp cần có bộ phận tham mưu, giúp việc giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng giao tiếp tốt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.