Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục đổi mới công tác dân vận của chính quyền

Nhóm phóng viên| 04/12/2021 06:53

(HNM) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg (ngày 26-11-2021) yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới. Hiện hệ thống dân vận, chính quyền cơ sở của thành phố Hà Nội đang có kế hoạch cụ thể để tập trung hiện thực hóa các nội dung của chỉ thị, qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Quang cảnh hội nghị triển khai Chỉ thị số 07-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước do Ban Dân vận Quận ủy và UBND quận Tây Hồ phối hợp tổ chức, tháng 11-2021. Ảnh: Đỗ Tâm

Trưởng ban Dân vận Quận ủy Hoàng Mai Khương Quốc Hưng:
Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” nên các cấp, các ngành và mỗi cán bộ, đảng viên trong quận Hoàng Mai đều đề cao công tác dân vận. Công cuộc đổi mới, thời kỳ hội nhập quốc tế và tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp càng cần phải phát huy cao độ khối đoàn kết và sức mạnh của hệ thống chính trị cùng nhân dân xây dựng quận ngày càng văn minh, giàu đẹp. Để thực hiện tốt Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống dân vận của quận sẽ phối hợp với các cấp chính quyền, các cơ quan hành chính của quận sẽ tập trung đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân, từ đó góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Ba Vì Nguyễn Đức Thịnh:
Gắn công tác dân vận với thực hiện “mục tiêu kép”

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới theo đúng tinh thần của Chỉ thị số 33/CT-TTg, huyện Ba Vì sẽ tập trung quán triệt và thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận trong tình hình mới. Đồng thời, gắn công tác dân vận với thực hiện “mục tiêu kép” để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững "vùng xanh" an toàn dịch bệnh. Xác định công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị nhằm xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, huyện tập trung chỉ đạo gắn xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác dân vận với triển khai nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Công tác dân vận trong các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp của huyện phải thực sự hiệu quả, góp phần hiện thực hóa mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra.

Chủ tịch UBND xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) Lê Đình Bình:
Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức

Nhằm tăng cường, đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới, xã Võng Xuyên tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc quy định về đạo đức công vụ; phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là người đứng đầu. Xã cũng tiếp tục thực hiện tốt văn hóa công sở, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức. Trong đó, sẽ tập trung đổi mới và thực hiện phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức là: Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân; kiên quyết loại bỏ bệnh thành tích, quan liêu xa dân.

Chủ tịch UBND phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) Đỗ Ngọc Anh:
Thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”

Một trong những mục tiêu quan trọng trong Chỉ thị số 33/CT-TTg được Thủ tướng Chính phủ đặt ra và yêu cầu các ngành, các cấp chính quyền phải hướng đến là thực hiện tốt Luật Tiếp cận thông tin nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân; thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân; tăng cường, công khai đối thoại tiếp dân tại cơ sở… Theo tôi, để thực hiện mục tiêu này, việc đầu tiên là các bộ, ngành, chính quyền các cấp phải chú trọng nâng cao chất lượng nhân sự. Một mặt, tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, gây phiền hà, xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; mặt khác cần thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng.

Bà Nguyễn Thị Minh Hạnh, phố Tôn Thất Thiệp, phường Điện Biên (quận Ba Đình):
Đổi mới công tác dân vận để phù hợp bối cảnh mới

Những năm qua, công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp tiếp tục được tăng cường, đổi mới một cách toàn diện và đồng bộ; đồng thời bám sát, thể hiện nhất quán quan điểm công tác dân vận của Đảng là vì nhân dân, chăm lo, nâng cao mọi mặt đời sống nhân dân. Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg nhằm tăng cường, đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới một lần nữa cho thấy, Đảng, Nhà nước kiên định mục tiêu xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, việc đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới” cũng đòi hỏi công tác dân vận phải đổi mới để phù hợp với xu thế và tình hình hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục đổi mới công tác dân vận của chính quyền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.