Nghị quyết và Cuộc sống

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2024):“Dân vận khéo” nhằm phát huy sức mạnh của nhân dân, xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

Đỗ Anh Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội 15/10/2024 - 06:30

Với vai trò là Đảng bộ Thủ đô, Đảng bộ lớn nhất cả nước, những năm qua Thành ủy Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc niềm vinh dự, tự hào, đi kèm với đó là trách nhiệm vẻ vang trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát triển Hà Nội xứng đáng với vai trò Thủ đô, trái tim của cả nước. Phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai sâu rộng phong trào thi đua “Dân vận khéo”, thu hút sự tham gia hưởng ứng của đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, trở thành nét đặc sắc trong công tác dân vận của Đảng bộ Thủ đô.

dan-van.jpg
Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cùng các đại biểu gắn biển công trình “Dân vận khéo” kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tại xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm).

Thấm sâu, lan tỏa, góp phần giải quyết “việc mới, việc khó” tại địa phương

Cách đây 15 năm, Ban Dân vận Trung ương chính thức phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong cả nước bằng Kế hoạch số 70-KH/BDVTƯ ngày 26-2-2009. Đây là hành động thiết thực nhằm cụ thể hóa lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” và quan điểm của Đảng ta về công tác dân vận. Từ đó, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được triển khai rộng khắp, nhận được sự quan tâm ngày càng lớn của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân Thủ đô.

Thực hiện các kế hoạch, hướng dẫn của Ban Dân vận Trung ương và chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Hà Nội, Ban Dân vận Thành ủy đã chủ động ban hành các văn bản triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong từng năm và từng giai đoạn. Nội dung bám sát các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, các vấn đề khó khăn, phức tạp của từng địa phương, đơn vị và toàn thành phố.

Ban Dân vận Thành ủy đã tham mưu Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 5-12-2016 “Về đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2016-2020”; tổ chức cuộc thi viết về gương “Dân vận khéo”; tổ chức hội thi “Dân vận khéo” bằng hình thức sân khấu hóa; phát hành cuốn sách Những điển hình “Dân vận khéo” của Thủ đô… đồng thời chú trọng khảo sát, đánh giá, biểu dương, nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm, toàn thành phố có hơn 10.000 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký thực hiện và được triển khai tại 3 cấp: Cấp cơ sở; cấp quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy và cấp thành phố. Với sự chỉ đạo tập trung, thống nhất từ thành phố đến cơ sở, cách làm bài bản, bám sát thực tiễn, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã thực sự thấm sâu, lan tỏa trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiều việc mới, việc khó, phát sinh ở cơ sở đã được giải quyết, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

Cùng với những mô hình “Dân vận khéo” trong các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, trong lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đã có nhiều mô hình “Dân vận khéo” trong cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí…

Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng các cơ chế để tăng cường đối thoại, cầu thị tiếp thu góp ý, tích cực giải quyết các kiến nghị chính đáng của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Hằng năm, đồng chí Bí thư cấp ủy, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND từ thành phố đến xã, phường, thị trấn đều tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp với cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân. Qua đó góp phần giảm khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp; đóng góp những ý kiến quý báu đối với cấp ủy, chính quyền trong xây dựng và phát triển địa phương, Thủ đô, đất nước.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” cũng đã phát huy hiệu quả trong giải quyết các việc mới, việc khó, chưa có tiền lệ của Thủ đô. Đó là việc hệ thống dân vận Thủ đô đã huy động hàng trăm nghìn cán bộ, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội tham gia hơn 26.000 “Tổ Covid-19 cộng đồng” ở 579 xã, phường, thị trấn trong thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19, vận động nhân dân thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Trong triển khai các dự án trọng điểm, đặc biệt là Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, công tác dân vận đã chủ động, tích cực, vào cuộc từ sớm, từ đầu, với nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo. Trong vòng một năm đã giải phóng mặt bằng được trên 90% diện tích phải thu hồi, góp phần khởi công dự án đúng tiến độ. Gần đây, trong việc ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (Yagi), hệ thống dân vận của thành phố đã thể hiện vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động, giúp đỡ nhân dân phòng, chống bão lụt, di chuyển cây xanh gãy đổ, vệ sinh môi trường, di dời người và tài sản khỏi khu vực nguy hiểm... Qua đó, đã góp phần phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Hà Nội; huy động nguồn lực to lớn từ sức mạnh và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, tạo động lực quan trọng để Hà Nội phát triển bền vững.

Chung sức, đồng lòng triển khai các nhiệm vụ của thành phố

Năm 2024, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, Ban Dân vận Thành ủy đã ban hành Kế hoạch số 48-KH/BDVTU về tổ chức Hội thi “Dân vận khéo”. Đây là hoạt động trọng điểm của ngành Dân vận Thủ đô kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” (15/10/1949 - 15/10/2024), 94 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2024), 25 năm “Ngày Dân vận của cả nước” (15/10/1999 - 15/10/2024), đặc biệt là kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), mốc son lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Thủ đô và cả nước.

Hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn được ban hành từ sớm để các địa phương, cơ quan, đơn vị chủ động triển khai hội thi “Dân vận khéo” năm 2024 từ thôn, tổ dân phố. Kết quả, đã có 35 đội thi xuất sắc đại diện cho các địa phương, cơ quan, đơn vị trên toàn thành phố đã tham gia hội thi cấp thành phố. Các đội thi đã mang lên sân khấu những mô hình “Dân vận khéo” được triển khai rất thành công từ thực tế tại địa phương, cơ quan, đơn vị; chia sẻ những cách làm hay, kinh nghiệm quý trong thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận, công tác vận động quần chúng nhân dân cùng chung sức, đồng lòng thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị và thành phố; thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, bản lĩnh, trí tuệ của cán bộ dân vận Thủ đô.

Cùng với đó, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô; ngay từ đầu năm, Ban Dân vận Thành ủy đã phát động việc đăng ký, lựa chọn, xây dựng các mô hình, công trình “Dân vận khéo” chăm lo thiết thực đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Thủ đô. Đã có hơn 24.000 mô hình và hàng trăm công trình “Dân vận khéo” được đăng ký trên 3 cấp và 4 lĩnh vực. Việc công nhận và gắn biển công trình “Dân vận khéo” kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô thực hiện từ thành phố đến cơ sở đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân.

Thời gian tới, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Thủ đô và từng cơ quan, địa phương, đơn vị; phong trào thi đua “Dân vận khéo” tại Đảng bộ Hà Nội sẽ tiếp tục được triển khai sâu rộng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. “Dân vận khéo” cũng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác dân vận, nhất là đối với những vấn đề phức tạp phát sinh, những nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó... và được triển khai đồng bộ, từ sớm, từ đầu, có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của hơn 5.000 tổ dân vận trong tham gia các nhiệm vụ bảo đảm trật tự, văn minh đô thị, nông thôn, vệ sinh môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp…

Cùng với xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” mới, Hà Nội tiếp tục quan tâm duy trì hiệu quả, nhân rộng và phát huy các mô hình, điển hình đã có. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường tuyên truyền về cách làm hiệu quả của các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” bằng các hình thức phong phú, gần gũi, phù hợp với từng đối tượng; ứng dụng công nghệ thông tin, các loại hình truyền thông hiện đại để tăng hiệu quả tuyên truyền, lan tỏa các tấm gương, các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu; kịp thời khen thưởng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” hiệu quả nhằm khích lệ, động viên sự tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân đối với phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

Phát huy truyền thống nghìn năm văn hiến của Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo và truyền thống vẻ vang 94 năm công tác dân vận của Đảng; công tác dân vận của Đảng bộ Thành phố nói chung và phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng sẽ không ngừng đổi mới về nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả, thực hiện tốt hơn vai trò, sứ mệnh là cầu nối xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; vận động và tập hợp nhân dân, phát huy dân chủ, khơi dậy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, cùng chung sức, đồng lòng xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến -Văn minh - Hiện đại”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2024): “Dân vận khéo” nhằm phát huy sức mạnh của nhân dân, xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.