(HNM) - Tối 10-8, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã tổ chức chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” nhân 58 năm Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2019).
Dự và phát biểu tại chương trình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết: Sau thời kỳ kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nhiều vùng đất và hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin, trong đó có hơn 3 triệu người là nạn nhân.
Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục hậu quả của chất độc da cam/dioxin đối với môi trường và sức khỏe con người. Thông qua chế độ trợ cấp ưu đãi hằng tháng, hỗ trợ về vốn sản xuất, nhà ở, giáo dục, việc làm, khám, chữa bệnh…, nhiều nạn nhân da cam đã nỗ lực vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Tuy vậy, hiện nay, nước ta vẫn còn không ít trường hợp đang sống trong nỗi đau mang tên da cam, cần được hỗ trợ về nhiều mặt.
Để có thêm nguồn lực hỗ trợ nạn nhân, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ kêu gọi các tổ chức, cá nhân chung tay, đồng lòng góp phần động viên ý chí vươn lên cho nạn nhân da cam và gia đình. Các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát hồ sơ xác định tình trạng bệnh tật cho các đối tượng, bảo đảm tất cả nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin đủ điều kiện đều được thụ hưởng chính sách ưu đãi.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho hay, từ năm 2011 đến nay, chương trình nhắn tin “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” qua Cổng thông tin nhân đạo quốc gia đã thu được hơn 19 tỷ đồng. Dịp này, nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm tiếp tục ủng hộ tiền, hiện vật để các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin giúp đỡ hội viên.
* Cùng ngày, tại thành phố Hồ Chí Minh, hơn 5.000 người đã tham gia đi bộ đồng hành hưởng ứng Tháng hành động “Vì nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật nghèo” năm 2019.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.