(HNM) - 1. Tiếp thu góp ý trực tiếp của nhân dân là giải pháp đặc biệt quan trọng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị mà các tổ chức, cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu phải rất quan tâm. Bởi vai trò, sức mạnh của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng nói chung và nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói riêng đã được minh định bằng lý luận kinh điển và thực tiễn lịch sử. Ngày nay, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của kỷ nguyên số, mối quan hệ giữa Đảng nói riêng và hệ thống chính trị nói chung với nhân dân càng cần sự mật thiết, gần gũi, sát sườn và thường xuyên hơn.
Nhận thức rõ điều này, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư qua các nhiệm kỳ đều có các nghị quyết, chỉ thị, quy định nhằm phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nổi bật là các quyết định của Bộ Chính trị khóa XI nhằm tăng cường giám sát, phản biện, tiếp thu góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Cụ thể hóa điều này, tại Hà Nội, Thành ủy khóa XVI đã ra Quyết định số 2200-QĐ/TU ngày 25-5-2017 về ban hành “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội”. 5 năm qua, nhân dân Thủ đô đã đóng góp hơn 51.000 lượt ý kiến cho cấp ủy, chính quyền từ thành phố xuống cơ sở. Chủ trương này đã góp phần củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân; góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Nhân dân góp ý xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị bằng 2 kênh chính là trực tiếp và gián tiếp. Tuy nhiên, cơ chế tiếp thu và xử lý các ý kiến góp ý trực tiếp của người dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị vẫn còn nhiều hạn chế. Về cơ bản, người dân vẫn thiên về góp ý gián tiếp thông qua cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức, đoàn thể nhiều hơn. Các tổ chức, cấp ủy Đảng chưa hình thành được nhiều diễn đàn để người dân góp ý thường xuyên và còn thiếu các quy trình, cách thức tiếp thu, xử lý thông tin góp ý nhằm phục vụ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Do vậy, trong Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) đã xác định phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trực tiếp phản ánh, góp ý với cấp ủy đảng về công tác cán bộ.
Đây là chủ trương thể hiện rõ tư duy đổi mới và một lần nữa khẳng định vai trò đặc biệt của nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
2. Để hoàn thiện cơ chế tiếp thu góp ý trực tiếp của nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, trước tiên, các cấp, các ngành, địa phương phải thực hiện triệt để và có hiệu quả các chủ trương, phương châm quan trọng được nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, như: “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân”; “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, “thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở”...
Cần thể chế hóa các chủ trương này bằng việc sớm xem xét, thông qua và đưa Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở vào thực hiện. Đồng thời, các cấp, các ngành thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin đầy đủ, thường xuyên để người dân có điều kiện tìm hiểu, nắm bắt để góp ý.
Các tổ chức, cấp ủy Đảng các cấp cần triển khai các diễn đàn, tạo các kênh để thu thập ý kiến góp ý trực tiếp của người dân về công tác xây dựng Đảng, nhất là công tác cán bộ; gắn với quy chế làm việc, quy trình công tác; coi đây là việc làm thường xuyên, nhiệm vụ, giải pháp cần thiết để không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, chất lượng cán bộ, đảng viên. Để tiếp thu ý kiến góp ý trực tiếp của người dân, ngoài các kênh có tính truyền thống như báo chí, hội nghị, hội thảo, toạ đàm, có thể mở thêm các kênh trên không gian mạng internet, thậm chí các trang mạng xã hội...
Đặc biệt, các tổ chức, cấp ủy Đảng phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để mỗi người dân nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia góp ý xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; coi đây là nghĩa vụ, thể hiện lòng yêu nước, cũng như là sự bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của bản thân, gia đình và xã hội. Các tổ chức, cấp ủy Đảng, nhất là cán bộ đại diện trong ứng xử, giao tiếp, tiếp thu ý kiến góp ý của người dân phải thật sự chân thành, cởi mở. Những biểu hiện coi thường dân, hạn chế quyền làm chủ của nhân dân dưới mọi hình thức phải được xử lý nghiêm và công bố công khai.
Mỗi tổ chức, cấp ủy Đảng cần thực hiện quy trình công khai kết quả tiếp thu, xử lý thông tin do người dân góp ý, cung cấp trực tiếp; lấy đây là sợi dây liên kết, duy trì mối quan hệ mật thiết, không ngừng củng cố lòng tin của dân với Đảng. Nhưng đồng thời phải thẳng thắn sàng lọc, từ chối những ý kiến góp ý thiếu tinh thần xây dựng; kiên quyết đấu tranh, phản bác những góp ý mang tính phá hoại của những đối tượng cơ hội chính trị, phản động...
Việc hoàn thiện cơ chế tiếp thu góp ý trực tiếp của người dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng càng làm sâu đậm thêm mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, thể hiện rõ quan điểm “Dân là gốc” của Đảng ta.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.