Cách nay 70 năm, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đặc biệt, chiến thắng này cùng với Hiệp định Genève 1954 là yếu tố quyết định dẫn tới sự kiện giải phóng Thủ đô vào ngày 10-10-1954 - một mốc son chói lọi trong lịch sử ngàn năm văn hiến anh hùng của Thăng Long - Hà Nội.
Tiền đề của sự kiện giải phóng Thủ đô
Sau 8 năm thực hiện đường lối “kháng chiến, kiến quốc”, quân và dân ta đã lập nên nhiều chiến công to lớn, đẩy thực dân Pháp ngày càng lún sâu vào thế bị động. Tháng 7-1953, thực dân Pháp thực hiện kế hoạch Nava, hòng tập trung binh lực, giành thắng lợi trong vòng 18 tháng. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quân và dân ta đã tiến hành cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, buộc địch phải tập trung quân lên Điện Biên Phủ.
Nhận định đây là thời cơ, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định chọn Điện Biên Phủ là điểm quyết chiến, đánh đòn quyết định; đồng thời, thành lập Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Tổng Quân ủy - Tổng Tư lệnh làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch.
Tại Mặt trận Điện Biên Phủ, trên cơ sở nhận định chính xác tình hình, đặc biệt là quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh”, Đảng ủy Mặt trận, trực tiếp là Đại tướng, Tổng Tư lệnh - Chỉ huy trưởng chiến dịch Võ Nguyên Giáp, với tư duy quân sự độc đáo, sự mưu lược, quyết đoán của một vị tướng tài ba, đã sáng suốt quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” vào trước giờ mở màn chiến dịch.
Sau khi có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, trải qua “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn...”, với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, quân và dân ta đã giành thắng lợi vang dội, giáng đòn quyết định, đánh bại nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, làm nên một chiến thắng lịch sử, “Lừng lẫy năm châu/ Chấn động địa cầu”.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với quân và dân Thủ đô. Thực hiện chỉ thị vận động nhân dân trong vùng tạm chiếm đấu tranh mạnh mẽ chống chiến tranh xâm lược, ủng hộ lập trường của Phái đoàn ta tại Hội nghị Genève, quân và dân Hà Nội đã phát động phong trào đòi hòa bình, đòi Chính phủ Pháp phải thương lượng với Chính phủ Hồ Chí Minh.
Trải qua 75 ngày thương lượng với 31 phiên họp, rạng sáng 21-7-1954, ba Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia lần lượt được ký kết. Cũng trong ngày 21-7-1954, Hội nghị họp phiên bế mạc và thông qua Tuyên bố cuối cùng về Hiệp định lập lại hòa bình ở Đông Dương gồm 13 điểm, trong đó khẳng định sự hài lòng của các bên tham gia Hội nghị về việc chấm dứt chiến sự ở các nước Đông Dương; khẳng định các bên tham gia Hội nghị thừa nhận về nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; đồng thời quy định việc quân đội Pháp rút khỏi các nước Đông Dương... Như thế, thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève được ký kết không chỉ là những mốc son chói lọi trong tiến trình lịch sử Việt Nam hiện đại, mà đã trở thành tiền đề trực tiếp dẫn tới việc giải phóng hoàn toàn Thủ đô Hà Nội trong thời gian sau đó.
Trang vàng trong lịch sử Thăng Long - Hà Nội
Theo các điều khoản của Hiệp định Genève, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. Tuy nhiên, thực dân Pháp lợi dụng thời gian này phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa... làm cho mọi công việc bị đình trệ. Biết trước âm mưu của Pháp, Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng cử các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Tố Hữu trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo công tác tiếp quản Thủ đô.
Ngày 17-9-1954, theo quyết nghị của Chính phủ, Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội được thành lập với nhiệm vụ tiếp quản thành phố. Hội đồng Chính phủ công bố các chính sách đối với thành thị mới giải phóng; Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh cho các đơn vị bộ đội đang tiến về giải phóng Hà Nội phải giữ vững trật tự an ninh của thành phố, triệt để chấp hành các chính sách mà Chính phủ đã đề ra.
Sau quá trình đấu tranh trên mặt trận ngoại giao yêu cầu thực dân Pháp rút khỏi Hà Nội đúng thời hạn, ngày 30-9-1954, hai bên ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về quân sự; ngày 2-10, ký tiếp Hiệp định chuyển giao Hà Nội về hành chính.
Theo các văn bản được ký kết, từ ngày 2 đến ngày 5-10-1954, các đội hành chính, trật tự của ta vào thành phố trước, chuẩn bị cho việc tiếp quản các cơ quan, công sở, các công trình công cộng. Đến ngày 6-10-1954, quân Pháp rút khỏi quận lỵ Văn Điển. Đây là quận lỵ đầu tiên ở ngoại thành được giải phóng. Cùng ngày, chúng rút khỏi thị xã Hà Đông và ở phía Bắc về Dốc Lã, cách Yên Viên 3km.
Ngày 8-10-1954, Ban Tiếp nhận quân sự của ta triển khai ở 6 khu vực nội thành và huyện Gia Lâm, tiếp nhận bàn giao cơ quan và các vị trí quân sự. Bộ đội ta tiến vào Đê La Thành, Vĩnh Tuy, Ngã Tư Sở, Cầu Giấy, Nhật Tân... Trên các đường phố, cờ đỏ sao vàng, cổng chào và khẩu hiệu xuất hiện, hoan nghênh bộ đội và chính quyền cách mạng trở về Thủ đô. Địch rút đến đâu, ta tiếp quản đến đó. Đến 16h ngày 9-10-1954, tốp lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên, sang Gia Lâm.
Sáng 10-10-1954, Đại đoàn 308, dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô tiến vào nội thành Hà Nội. Từ sáng sớm, nhân dân Thủ đô tưng bừng mang theo cờ, hoa, ảnh Bác Hồ ra khắp các ngả đường chào đón bộ đội hành quân vào tiếp quản Thủ đô. Đúng 8h, cánh quân phía Tây xuất phát từ Quần Ngựa (nay là Cung Thể thao tổng hợp Quần Ngựa Hà Nội). Đó là những chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, mang trên ngực huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”, trở về với thành phố quê hương - nơi sinh ra Trung đoàn. Vào lúc 15h, nhân dân và các đơn vị quân đội trang nghiêm dự Lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột cờ. Sau Lễ chào cờ, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng.
Thủ đô Hà Nội được giải phóng bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là từ thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, của Hiệp định Genève cùng khát vọng hòa bình, độc lập, tự do của nhân dân cả nước cũng như của nhân dân Thủ đô Hà Nội. Với ý nghĩa đó, Ngày Giải phóng Thủ đô không chỉ là ngày hội non sông, ngày vui lớn của nhân dân cả nước nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng, mà còn là "trang sử vàng" trong lịch sử ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. Đặc biệt, đó còn là động lực quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội phát huy truyền thống anh hùng, vượt qua mọi thách thức để xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn hiến, văn minh, hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.