(HNM) - Xác định tiếp công dân là khâu quan trọng của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đồng thời hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đúng quy định pháp luật, từ đầu năm 2022 đến nay, Thường trực, các tổ đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đã chú trọng công tác này. Thực tế cho thấy, làm tốt việc tiếp công dân sẽ góp phần giảm bức xúc ở cơ sở, ngăn ngừa “điểm nóng” về trật tự an toàn xã hội.
Coi trọng tiếp công dân theo vụ việc
Theo Phó Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố Nguyễn Khánh Long, tiếp công dân nhằm mục đích tiếp nhận các thông tin, kiến nghị, phản ánh, góp ý những vấn đề liên quan đến chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, công tác quản lý của cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, tiếp công dân cũng giúp việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được tiến hành hiệu quả.
Vì thế, 6 tháng đầu năm 2022, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố đã chủ động phối hợp với Ban Pháp chế HĐND thành phố tham mưu lựa chọn 13 vụ việc có nội dung phức tạp, kéo dài, chưa được giải quyết dứt điểm để Chủ tịch, các Phó Chủ tịch HĐND thành phố tiếp công dân. Đơn cử như vụ việc: Đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Phạm Văn Bình (thôn Cầu, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai); đề nghị cấp đất làm nhà ở với lý do là hộ gia đình chính sách (vợ liệt sĩ Phùng Văn Thư) và hiện đang gặp khó khăn không có nơi ở tại tổ dân phố Du Nghệ, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai; đề nghị giải quyết việc cho gia đình bà Phạm Thị Thành thuê đất tại Cụm công nghiệp Kim Quan để gia đình phát triển sản xuất (thôn Làng Kim 1, xã Kim Quan, huyện Thạch Thất); đề nghị xem xét, chỉ đạo xử lý dứt điểm công trình xây dựng lấn chiếm đất công của gia đình ông Phạm Đình Lăng (thôn Tạ Xá, xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên)…
“Sau các buổi tiếp công dân, Văn phòng đã ban hành thông báo kết luận và yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương tổ chức thực hiện, giải quyết kịp thời vụ việc để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân. Đến nay, các vụ việc trên đang tiếp tục được theo dõi, đôn đốc giải quyết”, ông Nguyễn Khánh Long thông tin.
Là người đang có đơn đề nghị các cấp giải quyết, ông Phạm Văn Bình (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai) cho rằng, việc duy trì tiếp công dân giúp các cơ quan chức năng kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân về cơ chế, chính sách, đời sống dân sinh.
Đôn đốc giải quyết kiến nghị, phản ánh
Theo thống kê, từ đầu năm 2022 đến nay, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội nhận được 216 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Đại biểu HĐND thành phố đã thực hiện 161 buổi tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân ở quận, huyện, thị xã nơi ứng cử; tiếp nhận 282 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Bích Thủy cho biết, nội dung đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chủ yếu liên quan đến phương án đền bù, hỗ trợ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; vi phạm trong quản lý, sử dụng, lấn chiếm đất đai tồn tại từ nhiều năm trước và công tác dồn điền, đổi thửa; đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết tranh chấp đất đai. Các vụ việc tố cáo, kiến nghị, phản ánh đều được các tổ đại biểu HĐND thành phố, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố phân loại, tham mưu Thường trực HĐND thành phố ban hành văn bản chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
“Những kiến nghị, phản ánh của công dân sẽ là cơ sở giúp các cơ quan có thẩm quyền phát hiện, tìm ra những bất cập trong hoạt động tổ chức và quản lý. Từ đó đưa ra giải pháp để điều chỉnh sao cho phù hợp và mang lại hiệu quả cao; đồng thời cũng tạo điều kiện để cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời phát hiện, xác minh, xử lý hành vi trái pháp luật, bảo đảm trật tự, kỷ cương xã hội, phát huy quyền của nhân dân”, bà Nguyễn Bích Thủy nhấn mạnh.
Để theo dõi sát các vụ việc, kinh nghiệm ở Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố là giao cán bộ theo dõi công tác tiếp công dân thường xuyên liên hệ với các bộ phận phụ trách nội dung này của Ban Tiếp công dân thành phố và Ban Tiếp công dân các quận, huyện, thị xã để cập nhật về tiến độ giải quyết đơn, thư. Vì thế, các vụ việc công dân gửi đến HĐND thành phố đều có văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền.
Theo Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên, để hạn chế đơn thư, khiếu nại, tố cáo, bên cạnh củng cố và kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các cơ quan, địa phương thì giải pháp quan trọng là cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức pháp luật của người dân. Đồng thời, mỗi đại biểu dân cử, ngoài tiếp nhận thông tin cũng tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân. Khi người dân nắm rõ, hiểu đúng quy định pháp luật cũng như trách nhiệm của mình sẽ góp phần giảm những “điểm nóng” về an ninh trật tự ngay từ cơ sở...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.