Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp cận vốn, doanh nghiệp cũng cần nỗ lực

Đức Anh| 18/10/2012 06:43

(HNM) - Hiện nay, các ngân hàng (NH) tiếp tục tiết kiệm chi phí nhằm giảm lãi suất, đưa nguồn vốn đến gần hơn với doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, để tiếp cận nguồn vốn, DN cũng cần nỗ lực…

Kể từ đầu năm đến nay, số tiền huy động từ tổ chức kinh tế gần bằng số dư tiền gửi của tiết kiệm dân cư, do lãi suất huy động tiền VND cao hơn ngoại tệ, cùng với đó tỷ giá USD/VND ổn định kích thích các tổ chức kinh tế gửi VND. Hơn nữa, các DN hạn chế mua bán các loại giấy tờ có giá, nên một lượng tiền chuyển sang kênh tiết kiệm cũng giúp số dư tiền gửi tăng lên đáng kể. Nguồn tiền gửi tăng cao giúp nguồn vốn của các NH thêm dồi dào, tính thanh khoản của hệ thống NH được cải thiện. Song, vấn đề đặt ra là NH vẫn khó tìm ra khách hàng tốt trong giai đoạn hiện nay để mở rộng cho vay. Đại diện một NH ở Hà Nội cho rằng, kinh tế khó khăn, nhiều DN mắc nợ vì không tiêu thụ được hàng hóa dẫn đến hết tài sản thế chấp, không thể tiếp tục vay mới, trong khi nhiều khoản vay cũ vẫn còn chưa thể trả. Với một số ít DN tìm được "đầu ra", NH sẵn sàng cho vay tín chấp, lãi suất dưới 10%/năm, song những DN nhận được khoản vay giá siêu rẻ này không nhiều, bởi điều kiện để được hưởng lãi suất không dễ. Lãnh đạo một NH thương mại lớn cũng thừa nhận, huy động vốn tăng nhanh, nhưng NH "bí" đầu ra, buộc phải mua bán vốn với trung tâm lợi nhuận của hội sở hay còn gọi là trung tâm vốn. Đến nay, hầu hết các NH lớn đều áp dụng mô hình trung tâm mua bán vốn, kinh doanh các khoản tín dụng và tiền gửi của các chi nhánh theo mô hình chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, "bán" vốn huy động tiết kiệm cho trung tâm lợi nhuận của hội sở không phải là cách làm hay cho nền kinh tế, bởi vậy mục tiêu của NH vẫn là tìm "đầu ra" cho nguồn vốn.

Giao dịch tại Ngân hàng Techcombank. Ảnh: Như Ý

Chia sẻ những giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho DN, các chuyên gia cho rằng, DN cần tập trung vào các yếu tố nâng cao năng suất lao động, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cấp khả năng quản trị… Đặc biệt, DN cũng cần lựa chọn các đơn hàng vừa sức, cố gắng thực hiện trong thời gian sớm nhất để giảm chi phí vay, chủ động tìm nguồn vốn ưu đãi từ các đối tác nước ngoài bằng hình thức vay vốn, phát hành trái phiếu và cổ phiếu, liên kết với các DN khác và hiệp hội để tìm đầu ra cho sản phẩm. Trong nền kinh tế thị trường, mỗi lần kinh tế trì trệ, suy thoái và cao nhất là khủng hoảng là một lần DN phải đối mặt với thử thách lớn. Tuy nhiên, mỗi lần biến động là một lần thanh lọc các DN làm ăn kém hiệu quả và tạo ra những DN có năng lực cạnh tranh hiệu quả hơn. DN nào có định hướng tốt, đội ngũ lao động vững sẽ vượt qua được khó khăn hiện nay, còn những DN không có chiến lược rõ ràng sẽ bị đào thải trong cơn bão tài chính. Sự hỗ trợ từ nhà nước chỉ mang vai trò "bà đỡ", không thể làm thay DN, vì vậy muốn tồn tại, DN phải tự đánh giá lại hệ thống quản lý, nguồn nhân lực, công nghệ, cũng như sức cạnh tranh của sản phẩm…

Một năm qua, lãi suất của hệ thống NH liên tục giảm và thanh khoản hệ thống NH cũng được cải thiện. Điều này cũng có nghĩa chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, từ đó giúp kiềm chế lạm phát, bảo đảm tăng trưởng ở mức hợp lý. Còn những khó khăn của các DN sẽ từng bước tháo gỡ trên cơ sở tái cấu trúc lại các DN.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiếp cận vốn, doanh nghiệp cũng cần nỗ lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.