Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp thường xuyên được tổ chức ở các tỉnh, thành phố giúp doanh nghiệp và ngân hàng có cơ hội đối thoại trực tiếp, nắm bắt khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Đây được coi là hoạt động khá hữu ích không chỉ cho doanh nghiệp, mà cả với chính ngân hàng.
Doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Xây dựng và kết cấu Hợp Phát (thành phố Hồ Chí Minh) Lê Văn Thể cho biết, hiện tại, đơn hàng của công ty tăng khoảng 20-30% so với cùng kỳ năm 2023 nên công ty có nhu cầu vay thêm vốn. Tham gia chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, công ty được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý, góp phần giảm chi phí, nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm, hoàn tất đơn hàng đúng tiến độ.
Còn theo ông Tài Minh Cường, đại diện Trung tâm Thang máy Itek (Công ty EMTC Hà Nội), nhờ chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, công ty tiếp cận được nguồn vốn có lãi suất thấp. "Lãi suất doanh nghiệp được nhận khá ưu đãi nên chúng tôi có điều kiện mở rộng sản xuất trong những tháng cuối năm 2024 cũng như đầu năm 2025", ông Tài Minh Cường nói.
Đại diện các doanh nghiệp đều cho hay, doanh nghiệp đang bước vào chu kỳ sản xuất hàng Tết và nỗ lực để đưa sản phẩm ra thị trường từ tháng 11-2024. Bởi vậy, việc tham gia chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi thuận lợi hơn, từ đó gia tăng cạnh tranh về giá sản phẩm nhờ giảm chi phí đầu vào. Qua chương trình kết nối, ngân hàng và doanh nghiệp còn có cơ hội đối thoại, nắm bắt quy định, chính sách tín dụng, tiếp cận thông tin về các gói tín dụng hay được hướng dẫn điều kiện vay vốn. Phía ngân hàng cũng nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tháo gỡ hay hiểu nhu cầu của doanh nghiệp để xây dựng gói tín dụng phù hợp.
Về phần mình, các ngân hàng cũng tích cực tham gia chương trình để hỗ trợ doanh nghiệp. Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) - chi nhánh tỉnh Cà Mau Đỗ Thanh Tịnh chia sẻ, Agribank đã ban hành nhiều chính sách, gói tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp. Riêng Agribank chi nhánh tỉnh Cà Mau tích cực triển khai chương trình, nhằm chuyển tải vốn đến doanh nghiệp nhanh chóng, an toàn và hiệu quả. Từ đầu năm 2024 đến nay, tổng dư nợ cho vay đạt 18.212 tỷ đồng; trong đó dư nợ cho vay khách hàng cá nhân 16.136 tỷ đồng, dư nợ khách hàng doanh nghiệp 2.076 tỷ đồng. Có hơn 60.000 khách hàng đang quan hệ tín dụng với Agribank chi nhánh tỉnh Cà Mau.
Theo lãnh đạo Agribank, nông nghiệp, nông thôn, nông dân là lĩnh vực được ưu tiên, do đó Agribank đẩy mạnh hoạt động kết nối với khách hàng, doanh nghiệp, phát huy vai trò của ngân hàng thương mại nhà nước nhằm đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Giống như Agribank, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)... cũng tích cực triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất tín dụng ưu đãi thường thấp hơn mặt bằng chung 1,5-2%.
Đẩy mạnh kết nối với nhiều hình thức
Với ý nghĩa của hoạt động kết nối, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu giám đốc ngân hàng nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố, lãnh đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Chương trình phải được tổ chức thường xuyên theo hình thức phù hợp (hội nghị, làm việc, trao đổi...) để ngân hàng và khách hàng có thể đối thoại trực tiếp, từ đó nắm bắt được khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn vay ngân hàng và kịp thời xử lý. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu, các ngân hàng thương mại nắm bắt tình hình tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp, không để doanh nghiệp có phương án kinh doanh hiệu quả, đáp ứng đầy đủ quy định mà không tiếp cận được vốn vay.
Ngân hàng Nhà nước cũng lưu ý, các tổ chức tín dụng chủ động cấp tín dụng hướng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ và lĩnh vực thế mạnh của địa phương; chủ động hướng dẫn doanh nghiệp, người dân biết các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của ngân hàng để được thụ hưởng. Cùng với đó, các tổ chức tín dụng nghiên cứu, phát triển đa dạng sản phẩm phù hợp với đối tượng doanh nghiệp và thông tin rộng rãi... Về phía doanh nghiệp, vấn đề cần thiết nhất vẫn là giảm lãi suất vay và đơn giản hóa thủ tục vay.
Về việc này, chuyên gia tài chính - ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng cho rằng, ngành Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 là 15%. Việc hỗ trợ vay vốn từ chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp một cách thực chất cũng là giải pháp quan trọng, giúp ngân hàng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Ngoài tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, ngân hàng nên tiếp tục hỗ trợ khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khoanh nợ cũ, xem xét cho vay mới khôi phục sản xuất, kinh doanh... từ đó tăng mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.