(HNM) - Sự kiện tâm điểm được giới kiến trúc sư đặc biệt quan tâm trong tuần chính là chuỗi hội thảo và tọa đàm quốc tế với chủ đề
Đây là cơ hội để những người làm nghề, đặc biệt là sinh viên ngành Thiết kế kiến trúc được học hỏi, rèn kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp trong môi trường quốc tế, nâng cao nhận thức và tri thức, từng bước tiếp cận triết lý "kiến trúc hạnh phúc" trong thời đại toàn cầu hóa.
Giới kiến trúc sư đặc biệt quan tâm đến chủ đề Kiến trúc xanh hướng tới cộng đồng bền vững. |
Đổi mới công tác đào tạo
Chuỗi hoạt động của GASC có ý nghĩa lớn trong việc tiếp tục đổi mới công tác đào tạo cho sinh viên ngành Thiết kế kiến trúc nói riêng và hoạt động của giới kiến trúc sư (KTS) nói chung. Với sự kết nối tổ chức của CLB Kiến trúc A+G, sự bảo trợ của Đại sứ quán Hà Lan và sự tham gia của các giáo sư, nghiên cứu sinh Trường Đại học Công nghệ Delft (Hà Lan), người tham gia hội thảo, tọa đàm được trao đổi, thảo luận về những vấn đề học thuật liên quan đến lý thuyết kiến trúc, những thách thức khi theo đuổi các tiêu chí của kiến trúc xanh và từng bước tiếp cận các xu thế mới trong sử dụng vật liệu, công nghệ thân thiện môi trường, hướng tới kiến trúc xanh bền vững. Rất nhiều câu hỏi thiết thực được đặt ra để cùng tìm lời giải đáp, bao gồm phân biệt sự khác biệt giữa thiết kế kiến trúc xanh Việt Nam với các nước trên thế giới; tổ chức không gian nhà mặt phố xây mới các hướng Tây, Tây Nam và Tây Bắc ở Hà Nội theo cách nào để tiết kiệm năng lượng; giải pháp nâng cao hiệu quả năng lượng kiến trúc của nhà ở cao tầng tại Hà Nội; làm gì để tạo yếu tố xanh trong các công trình vừa và nhỏ...
Cũng trong 5 ngày, có 8 nhóm sinh viên - nghiên cứu sinh của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng và Trường Đại học TU Delft (Hà Lan) được trải nghiệm làm việc nhóm với nhiệm vụ cụ thể là thiết kế một Trung tâm đào tạo nghề tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là cơ hội để những người tham gia rèn kỹ năng làm việc nhóm, tăng cường trao đổi kiến thức về kiến trúc bản địa, kiến trúc khí hậu cũng như những công nghệ xây dựng giữa Châu Á và Châu Âu. Kết thúc chương trình, một cuộc triển lãm kết quả của GASC 2017 được tổ chức tại khu vực phố đi bộ Hồ Gươm chính là sức lan tỏa thông điệp của sự kiện, gia tăng sự kết nối của kiến trúc xanh tới nhận thức và sự tham gia của cộng đồng.
Tiếp cận ba trụ cột của triết lý "kiến trúc hạnh phúc"
Một triết lý được đề cập khá sâu trong các hoạt động của GASC 2017 là triết lý "kiến trúc hạnh phúc". Theo ThS.KTS Hoàng Thúc Hào - người đoạt Giải thưởng SIA-GETZ dành cho KTS nổi bật ở Châu Á năm 2016, triết lý "kiến trúc hạnh phúc" được coi là chìa khóa góp phần giải quyết những vấn đề lớn đặt ra cho giới KTS hiện nay, bao gồm bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa bản địa, không để bị hòa tan bởi các xu hướng kiến trúc thực dụng hiện đại. Nói cách khác, kiến trúc nên thực hiện hướng về hạnh phúc cộng đồng, gìn giữ và phát triển sự đa dạng của văn hóa, qua đó, KTS có thể cống hiến, thể hiện trách nhiệm xã hội và khát vọng sáng tạo trong công việc.
Ba trụ cột của triết lý "kiến trúc hạnh phúc" này chính là KTS hạnh phúc, công trình hạnh phúc và người sử dụng hạnh phúc. Triết lý dựa trên quan điểm tạo ra các không gian không chỉ tiện nghi, hữu ích, mà quan trọng hơn là phải hướng tới tương lai của văn hóa và con người. Trong đó, KTS trong quá trình làm nghề luôn phải ý thức được trách nhiệm dấn thân, phụng sự những cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa hay những khu vực đô thị kém phát triển. KTS cần ý thức được trách nhiệm của mình trong việc hạn chế xu hướng kiến trúc thực dụng, những ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng kiến trúc rập khuôn, áp dụng công nghệ ồ ạt, vì lợi ích thuần túy của chủ đầu tư mà bỏ qua những khía cạnh văn hóa, nhân văn. Bàn về triết lý này, KTS Hoàng Thúc Hào khẳng định: "Thông qua các hoạt động với chủ ý hướng tới mục đích cao cả vì văn hóa và con người, KTS sẽ có được niềm vui và hạnh phúc lâu bền trong cống hiến; và sớm muộn, đóng góp của họ sẽ được xã hội công nhận, cộng đồng tôn vinh, được đền đáp xứng đáng cả về vật chất và tinh thần".
Để kiến trúc xanh thực sự "xanh", PGS.TS Khuất Tân Hưng (Trường Đại học Xây dựng) nhấn mạnh đến tính bền vững về xã hội - nhân văn của các công trình kiến trúc, bên cạnh yếu tố thân thiện với môi trường và khai thác tài nguyên tiết kiệm - hiệu quả. Một công trình kiến trúc được tạo ra không chỉ để làm đẹp môi trường, cảnh quan mà còn đáp ứng tốt yêu cầu sử dụng, gia tăng tiện ích, giúp công chúng dễ tiếp cận, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Một khi tạo dựng được những công trình có đời sống riêng: có quá khứ (truyền thống, lịch sử), có tương lai (bền vững, có khả năng cải tạo và phát triển theo mục đích người sử dụng), chúng ta sẽ có được những công trình hạnh phúc, có tiềm năng làm những con người sống trong không gian đó trở thành người sử dụng hạnh phúc.
Rất nhiều kiến thức được chia sẻ, đa phần đều thống nhất quan điểm: Kiến trúc xanh hướng tới cộng đồng bền vững, hay nói cách khác là sự theo đuổi triết lý kiến trúc hạnh phúc - là xu hướng tất yếu trong thời đại toàn cầu hóa, khi mà các công trình, sản phẩm thiết kế kiến trúc đòi hỏi ngày càng phải thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng và gần gũi với cộng đồng hơn. Nhưng để triết lý ấy luôn được đề cao và từng bước áp dụng được vào thực tế, rất cần sự chung tay không chỉ của các KTS, mà còn cần đến những giải pháp đồng bộ từ các cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư, hệ thống quy hoạch và trên hết là sự nâng cao ý thức, nhận thức của tất cả cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.