Xây dựng

Tiếp bài “Tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì: Cần làm rõ tình trạng biệt thự xây trên đất lâm nghiệp”:Yêu cầu kiểm tra, lập phương án xử lý

Đức Duy 18/06/2024 - 06:34

Sau khi Báo Hànộimới số ra ngày 10-6-2024 đăng bài viết: “Tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì: Cần làm rõ tình trạng biệt thự xây trên đất lâm nghiệp”, UBND huyện Ba Vì đã có báo cáo về việc xây dựng các công trình tại thôn Chóng, xã Yên Bài.

Theo UBND huyện Ba Vì, do các quy hoạch có sự chồng lấn dẫn đến một số vị trí xây dựng nằm trong quy hoạch rừng. Huyện đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan kiểm tra, rà soát để xây dựng phương án xử lý; đồng thời, đang hoàn thiện hồ sơ để báo cáo UBND thành phố Hà Nội đưa ra khỏi quy hoạch rừng.

mot-so-cong-trinh-xay-dung-.jpg
Một số công trình xây dựng tại thôn Chóng (xã Yên Bài) do chồng lấn, đang được UBND huyện Ba Vì hoàn thiện hồ sơ đưa ra khỏi quy hoạch đất lâm nghiệp.

Chồng lấn đất rừng

Yên Bài có diện tích đất tự nhiên gần 3.645ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 1.347ha, đất lâm nghiệp hơn 1.143ha… Do nhu cầu đất ở của người dân trong huyện nói chung và nhân dân xã Yên Bài nói riêng tăng cao, năm 2015, UBND huyện Ba Vì đã ban hành quyết định chủ trương đầu tư các dự án đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó có 7 điểm đấu giá đất ở tại thôn Chóng, xã Yên Bài, gồm: Khu đồi Ba Vành, đồi Tích Giang, đồi Cháy, đồi Gò Trọi, đồi Ván Sôi, đồi Quân Nhân và đồi Tròn.

Các điểm này cũng đã được UBND thành phố Hà Nội cho phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật và phê duyệt giá khởi điểm để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất ở. Hiện tại, các hộ dân trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại khu vực trên đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và xây dựng các công trình trên đất.

Theo UBND xã Yên Bài, 7 điểm đấu giá đất trên, trước đây là một thửa chung, đều là đồi hoang do địa phương quản lý. Sau đó, một số hộ dân vào khai hoang trồng sắn. Năm 1989, Nhà nước triển khai dự án 327 (PAM), các hộ dân được giao đất, cấp cây giống (bạch đàn, keo), phân bón, kinh phí để trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.

Còn theo Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm số 6 (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội) Trần Quang Thao, năm 2007, thực hiện chính sách phân định mốc giới rừng, thì những khu vực từ cốt 100 trở lên giao về Vườn Quốc gia Ba Vì quản lý, còn những khu vực dưới cốt 100 giao về chính quyền địa phương quản lý.

Chính vì vậy, từ năm 2009 đến năm 2010, chính quyền xã đã ký hồ sơ trình các cấp chuyển đổi sang đất trồng cây lâu năm cho một số hộ dân có nhu cầu. Song, UBND xã lại không báo cáo UBND huyện và Hạt Kiểm lâm số 6 để đưa diện tích này ra khỏi hiện trạng rừng.

Về rà soát quy hoạch, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Trần Quang Khuyên cho biết, 7 khu vực đấu giá tại thôn Chóng, xã Yên Bài nằm trong 3 quy hoạch, gồm: Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng huyện Ba Vì và quy hoạch rừng. Ngoài ra, trong bản đồ kiểm kê rừng năm 2015, khu vực này vẫn là đất lâm nghiệp, tương ứng với lô số 109, khoảnh 4, tiểu khu 9709 do xã Yên Bài quản lý. Thậm chí, số liệu kiểm kê hiện trạng rừng hằng năm xã vẫn ký xác nhận những khu vực này là đất lâm nghiệp.

Qua đó cho thấy, chính quyền các cấp giai đoạn 2009-2015 không kiểm tra, rà soát kỹ đã xác nhận chuyển đổi mục đích quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho một số cá nhân; không có sự phối hợp tốt giữa UBND xã Yên Bài và các ngành liên quan nên chưa cập nhật kịp thời phần đất lâm nghiệp đã được chuyển mục đích sử dụng, dẫn đến sự chồng lấn quy hoạch và chồng lấn các loại đất. Chính sự thiếu trách nhiệm này, một số cán bộ liên quan của xã Yên Bài thời kỳ đó đã bị xử lý kỷ luật.

Đâu là hướng giải quyết?

Để giải quyết vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết, do lịch sử để lại, khu vực xã Yên Bài có nhiều khu vực chồng lấn đất rừng, quy hoạch lâm nghiệp với đất ở, đất vườn của các hộ dân nhưng chưa được giải quyết triệt để. Huyện đã chỉ đạo các phòng: Kinh tế, Tài nguyên và Môi trường, Quản lý đô thị và các xã có rừng, đất lâm nghiệp phối hợp với Hạt Kiểm lâm số 6 kiểm tra, rà soát để xây dựng phương án xử lý. “Sau khi rà soát, nếu có vi phạm, huyện kiên quyết xử lý, cưỡng chế, trả lại nguyên trạng đất rừng; còn khu vực chồng lấn, huyện sẽ đề xuất thành phố đưa ra khỏi quy hoạch rừng”, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng khẳng định.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên thông tin, thành phố đang yêu cầu các huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp theo Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 18-2-2022 của UBND thành phố Hà Nội. Chậm nhất, đến ngày 30-6-2024, các địa phương phải gửi kết quả rà soát về Chi cục Kiểm lâm Hà Nội để tổng hợp báo cáo UBND thành phố điều chỉnh quy hoạch rừng, giao đất gắn với giao rừng và tổ chức cắm mốc ranh giới 3 loại đất rừng: Đặc dụng, phòng hộ, sản xuất.

Sau khi rà soát, huyện Ba Vì có bao nhiêu diện tích chồng lấn muốn đưa ra khỏi quy hoạch rừng phải có đầy đủ hồ sơ, căn cứ pháp lý chứng minh với UBND thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp bài “Tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì: Cần làm rõ tình trạng biệt thự xây trên đất lâm nghiệp”: Yêu cầu kiểm tra, lập phương án xử lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.