Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếng Việt hiện có xô bồ?

Lâm Vũ| 30/04/2012 06:42

(HNM) - Chưa bao giờ việc sử dụng tiếng Việt bị mổ xẻ nhiều như hiện nay, cả trong phạm vi giao tiếp cá nhân cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Câu hỏi đặt ra là trong thời kỳ hội nhập, giữa những luồng văn hóa đan xen nhau, trào lưu sử dụng ngôn ngữ "thoáng", làm thế nào để bảo vệ và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt? PV Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với GS.TS Nguyễn Đức Tồn, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam về vấn đề trên.

- Gần đây, người ta nói nhiều đến cuốn sách "Sát thủ đầu mưng mủ". Có người cho đó là ví dụ điển hình về sự lai tạp ngôn ngữ theo hướng không có lợi. Ông suy nghĩ thế nào về điều đó?

- Cuốn sách ấy mô phỏng những thành ngữ của một bộ phận giới trẻ, trong đó có những thành ngữ vui vui, nhưng cũng không ít thành ngữ vô thưởng vô phạt.

Trong lý thuyết giao tiếp, người ta chia thành hai phạm vi giao tiếp. Một là phạm vi giao tiếp chính thức, có tổ chức, ví dụ như trên đài phát thanh, truyền hình, qua sách báo do các nhà xuất bản, cơ quan báo chí phát hành. Thứ hai là phạm vi giao tiếp cá nhân. Với trường hợp thứ nhất thì phải dùng ngôn ngữ chuẩn mực. Nếu trên báo chí hoặc trên đài phát thanh mà người ta dùng cách nói, cách viết pha tạp từ nước ngoài, tiếng lóng, biệt ngữ thì nó sẽ làm vẩn đục tiếng Việt và đây là điều đáng phê phán. Còn trong phạm vi giao tiếp riêng tư, ví dụ thanh niên nói chuyện với nhau bằng biệt ngữ, tiếng lóng thì vấn đề tế nhị hơn, vì ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp của con người, đối tượng nào có nhu cầu như thế nào thì người ta sử dụng như thế. Trong phạm vi này chỉ có thể đưa ra khuyến nghị, rằng để thể hiện mình là người có văn hóa thì nên dùng câu, dùng từ chuẩn mực, đã được công nhận rộng rãi chứ không nên dùng những từ, những câu xa lạ để thể hiện mình "sành điệu".

Trên thực tế, trong tiếng Việt có rất nhiều từ vay mượn nguyên dạng, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học, các nhà nghiên cứu có thể dùng song ngữ, chuyện đó là bình thường. Ví dụ như với từ "máy tính", có trường hợp dùng được bằng tiếng Việt nhưng cũng có trường hợp phải dùng tiếng Anh là "computer" để phân biệt với máy tính bỏ túi dùng để tính toán cộng trừ, nhân chia… Chỉ có điều là khi viết bài phổ cập kiến thức cho xã hội thì cần ưu tiên tiếng mẹ đẻ. Chúng ta cần phải phân biệt từng trường hợp, không phải cứ thấy người ta dùng từ nước ngoài đã vội phê phán là lai căng.

Một giờ học tiếng Việt tại Trường tiểu học Thanh Trì. Ảnh: Phương An

- Tình trạng lai căng, pha tạp trong tiếng Việt hẳn có nguyên nhân. Đó là gì vậy, thưa ông?

- Đó là do một số người muốn tỏ vẻ "sành điệu". Có nhiều người, kể cả phóng viên, người dẫn chương trình… hay nói đệm từ nước ngoài. Một vấn đề khác là việc sử dụng tiếng Việt hiện chưa được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật. Hiện nay, Viện Ngôn ngữ được Nhà nước giao cho thực hiện công trình khoa học "Những vấn đề lập pháp ngôn ngữ ở Việt Nam" nhằm cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng bộ luật ngôn ngữ. Nếu có luật này, chắc chắn mọi sự sẽ khá hơn.

- Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng phát động cuộc vận động "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt". Điều này chứng tỏ tinh thần bảo vệ, giữ gìn tiếng Việt được ông cha ta chú ý từ rất lâu, song điều đó dường như đang bị xao nhãng?

- Tiếng Việt đang bị sử dụng một cách xô bồ! Trên truyền hình, việc đệm tiếng nước ngoài thường xuyên diễn ra. Ví dụ như "bỏ phiếu" thì nói là "vote", "giới nghệ sỹ" thì dùng "giới showbiz"… Người nghe như nhai phải sạn.

Ai cũng biết ngôn ngữ là linh hồn của dân tộc. Hiện nay, nhiều người Việt ở nước ngoài cho con cái học chung với trẻ em bản xứ, không chịu khó dạy các cháu tiếng Việt. Ví dụ như trong cộng đồng người Việt ở Đức, rất nhiều trẻ chỉ nói được bằng tiếng Đức, tư duy bằng tiếng Đức nên quên tiếng mẹ đẻ, xa lạ với văn hóa Việt Nam. Vậy thì họ chỉ còn là người Việt về mặt nhân chủng. Chúng ta phải bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, phải dạy dỗ con em mình biết yêu tiếng Việt, văn hóa Việt, có thế thì mới giữ được bản sắc Việt Nam, tâm hồn Việt Nam.

- Vậy theo ông, phải làm thế nào để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt trong hoàn cảnh hiện nay?

- Trước hết phải chú ý đến vai trò, nhiệm vụ của nhà trường, chính các em học sinh ngày hôm nay sẽ là chủ nhân tương lai của đất nước nên cần phải được dạy cẩn thận. Thứ hai là phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng, và ở đó cần phải viết chuẩn, nói chuẩn để người khác học theo. Đấy chính là thể hiện vai trò hướng dẫn dư luận xã hội, hướng người ta vào việc dùng cái đúng, cái hay, cái chuẩn. Ngoài ra, đối với các cơ quan liên quan đến phạm vi giao tiếp chính thức, Nhà nước cần có những chế tài. Ví dụ, tờ báo viết sai quy phạm thì tổng biên tập phải chịu trách nhiệm. Muốn như vậy cần phải có cơ quan nhà nước theo dõi về vấn đề này, để hướng dẫn công luận cũng như tư vấn cho Chính phủ cách xử lý việc nói sai, viết sai, làm hỏng tiếng Việt. Như tôi được biết, ở nước ngoài, nếu các cơ quan truyền thông nào mà vi phạm các quy định liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ quốc gia, cơ quan đó sẽ bị phạt.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếng Việt hiện có xô bồ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.