Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếng thơ Việt ở De La Salle

Nguyễn Phan Quế Mai| 07/03/2012 06:32

(HNM) - Người ta thường nói, thơ ca là nhịp cầu văn hóa, có khả năng giúp con người các quốc gia xích lại gần nhau. Tôi đã chứng kiến sự hình thành của nhịp cầu văn hóa ấy trong buổi nói chuyện về thơ Việt tại Trường Đại học De La Salle. Đây là một trong những trường đại học lớn và uy tín nhất của Philippines với lịch sử hơn 100 năm tuổi.

Buổi nói chuyện thơ do Trung tâm viết văn Bienvenido N. Santos tổ chức, nhằm đẩy mạnh sự giao lưu văn hóa và văn học Philippines với các quốc gia trên thế giới. Mỗi năm, De La Salle chủ trương mời từ 2 đến 3 nhà văn quốc tế đến nói chuyện, vì thế đã thành thông lệ, những cuộc “hò hẹn văn chương” này nhận được rất nhiều sự quan tâm của sinh viên, giảng viên của trường cùng các nhà văn, nhà thơ Philippines hiện đang sống và làm việc tại Manila.

Trở thành khách mời của chương trình, trăn trở hồi lâu để chuẩn bị cho bài nói chuyện, tôi đã quyết định dịch và trình bày các tác phẩm ca dao, những bài thơ cổ và hiện đại của Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Hồ Chí Minh… để qua đó nói về vẻ đẹp và chiều sâu văn hóa, lịch sử Việt Nam. Những tràng vỗ tay tán thưởng vang lên khi nghe những câu ca dao như “Yêu nhau cởi áo cho nhau/Về nhà mẹ hỏi, qua cầu gió bay” hay “Ai ơi đừng lấy học trò/Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm”… Tôi cũng đã xúc động khi bắt gặp ánh nhìn chăm chú suy tư khi nghe những lời thơ hào hùng trong “Nam quốc sơn hà” - bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam, hay thi phẩm “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những câu hỏi không ngừng đặt ra, chứng tỏ sự quan tâm về Việt Nam và thi ca nước Việt, một đất nước chỉ cách Manila vẻn vẹn 2,5 giờ bay nhưng còn không ít bất ngờ, thú vị với nhiều người.

Nhà thơ Philippines Alice Sun-Cua (người vừa sang Việt Nam tham dự Liên hoan thơ Châu Á Thái Bình Dương lần thứ nhất) đã trình bày bài thơ “Những đôi cánh thơ” mà tôi vừa viết xong. Đây là bài thơ về quá khứ đau buồn của Philippines trong bối cảnh chiến tranh thế giới lần thứ hai xảy ra... Khi đến thăm Trường Đại học De La Salle lần đầu tiên, cách đây vài tháng, tôi được nhà thơ, Giáo sư Marjorie Evasco đưa đi thăm một nhà thờ nhỏ trong khuôn viên của trường đại học cổ xưa này. Ông cũng kể cho tôi nghe câu chuyện về một người đàn ông Philippines đã cố hết sức mình che chở những trang sách... Câu chuyện này đã khơi nguồn cảm hứng để tôi viết “Những đôi cánh thơ”.

Có thể nói, De La Salle là một trong những chiếc nôi của văn học đương đại Philippines. Nơi đây, các chương trình viết văn ở trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ đang góp phần tôi luyện ngòi bút của những nhà văn, nhà thơ tài năng của đất nước này. Mỗi lần làm việc ở đó, tôi cảm nhận một không khí văn học thật hồ hởi, nghiêm túc. Và tôi sẽ mãi ghi nhớ buổi nói chuyện thơ của mình ở ngôi trường lịch sử này. Xung quanh tôi, mọi người lần lượt đặt tay phải của mình lên ngực trái, họ hát quốc ca để chuẩn bị cho một tâm thế sẵn sàng tiếp nhận kiến thức về thi ca thế giới, sẵn sàng chung tay xây dựng những nhịp cầu văn hóa.

Manila, 3-2012

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếng thơ Việt ở De La Salle

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.