Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, đông con. Trong cảnh thiếu thốn, các anh chị của tôi đều bỏ dở việc học để đi làm phụ giúp bố mẹ. Riêng tôi may mắn đỗ đại học.
Thấy sức học của tôi cũng khá, bố mẹ cố vay mượn họ hàng một số tiền đủ để tôi trang trải việc học trong một năm đầu, nhưng nếu muốn đi tiếp con đường học vấn thì không còn cách nào khác là phải tự thân xoay xở.
Do thành tích học tập tốt, mỗi tháng tôi nhận được một suất học bổng dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Như vậy, tiền học phí và sách vở tôi không phải lo, nhưng còn tiền ăn, ở thì chẳng ai có thể trả giúp tôi. Thế là tôi xin rửa chén ở căngtin của trường. Công việc rất vất vả nên thành tích học tập của tôi không được tốt như trước. Nhất là vào mùa thi, đầu óc tôi cứ căng ra như dây đàn.
Cho đến một ngày, tôi cảm thấy mình không còn chịu đựng thêm được nữa, tôi định xin bảo lưu kết quả học tập thì gặp Daneen. Cậu ấy nói rằng ông bà nội của cậu ấy đang cần có người giúp đỡ vào mỗi cuối tuần. Công việc đòi hỏi tôi phải nấu ăn ngày ba bữa và dìu các cụ lên giường buổi tối và buổi sáng. Tiền công của tôi cao gấp đôi thu nhập hiện thời. "Công việc đó cũng nhàn rỗi, mình sẽ có thời gian học bài" - Nghĩ thế nên tôi đồng ý.
Đến làm việc chưa được bao lâu thì tôi phát hiện ra bà Daneen rất say mê âm nhạc. Bà có thể ngồi hàng tiếng đồng hồ bên cây dương cầm cũ. Những lúc ấy, ông thường đứng bên cạnh nhịp theo tiếng đàn của bà một cách thích thú. Một ngày nọ, bà bảo tôi: "Megan này, cháu còn trẻ mà sống khô khan quá, phải có âm nhạc để cuộc sống bớt đi sự căng thẳng, để mình thêm yêu đời cháu ạ". Từ đó, bà dạy tôi chơi đàn. Bà rất ấn tượng trước khả năng học nhạc của tôi, luôn khuyến khích tôi cố gắng. Căn nhà của ông bà đã thực sự trở thành mái ấm của tôi trong những ngày cuối tuần.
Một mùa Giáng sinh nữa lại về. Trời lạnh, khiến cho chứng viêm phổi của bà tái phát. Tôi rất lo và quyết định chỉ về nhà trong hai tuần rồi sẽ quay lại với ông bà ngay. Thoáng chốc, kỳ nghỉ lễ đã trôi qua. Và khi tôi đang thu xếp hành lý chuẩn bị trở lại trường thì nhận được điện thoại của Daneen báo tin bà cậu ấy mất, ông sẽ vào trại dưỡng lão và tôi có thể ở lại nhà thêm một thời gian. Tôi bàng hoàng không tin vào tai mình, buông ống nghe mà lòng nặng trĩu. Tôi buồn không phải vì bị mất việc, mà là từ nay, tôi đã vĩnh viễn mất đi một người bạn lớn.
Khi tôi quay trở lại trường thì ông trưởng phòng hỗ trợ sinh viên trao cho tôi một phong thư. Người gửi là bà nội của Daneen. Bên trong, ngoài số tiền bà gửi tặng để tôi có thể yên tâm học hành cho đến ngày tốt nghiệp còn có một lá thư nhắn nhủ tôi phải tiếp tục học đàn. Tôi vô cùng xúc động trước tình yêu lớn lao mà bà đã dành cho đứa cháu xa lạ là tôi.
Nhiều năm trôi qua nhưng tới tận bây giờ, mỗi khi trông thấy cây dương cầm là tôi lại nhớ bà da diết. Tôi nhớ tiếng dương cầm của bà vang vọng trong đêm, sưởi ấm lòng tôi trong những ngày tháng cô quạnh. Tôi tin chắc rằng, lúc này đây, ở một nơi xa xăm nào đó, những ngón tay bà cũng đang lướt êm trên những phím dương cầm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.