Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếng đàn gọi bạn tri âm

Xuân Hải| 11/01/2016 04:44

(HNM) - Không qua bất cứ trường lớp đào tạo nào, nhưng ông Cao Kỳ Kỉnh (Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) có thể chế tác tới gần 20 loại đàn khác nhau, bao gồm cả các loại đàn dân tộc và hiện đại.

Chuyện ông Kỉnh mê đàn!

Ông Cao Kỳ Kỉnh năm nay đã gần 60 tuổi. Dáng người nhỏ bé, nụ cười hiền hậu, đôi tay thô ráp và phong cách có phần xuề xòa. Nhưng nhìn cách ông đóng khung đàn, cách ông lên dây, cách ông lắng tai thẩm âm người ta mới giật mình vì đôi tay, đôi tai kia thực là điệu nghệ.

Ông Kỉnh với niềm đam mê cả cuộc đời.


Ông Kỉnh sinh tại xã Nhuế Dương, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, vùng đất mà như trong ký ức của ông là một nơi đầy tiếng nhạc: Nhạc trong những đêm thanh vắng kéo lưới, nhạc giữa lễ hội tưng bừng ngày xuân… Những tiếng đàn nhị, đàn bầu, tiếng sáo, tiếng tiêu… vì thế đã ăn sâu vào ông từ tuổi ấu thơ và đi theo ông đến tận bây giờ. "Quá nửa đời bôn ba khó nhọc nhưng có tiếng đàn, cảm thấy đời mình cũng có chút thanh thản", ông cười bảo thế. Năm 13 tuổi, ông bắt đầu học đàn từ người cha. Cha ông trước đây vốn là một tay đàn nổi tiếng trong vùng, chơi và chế tác đàn nhị, đàn bầu. Nhà làm mộc, thế nên cụ rất sành sỏi về gỗ, tre, trúc, chỉ nhìn qua là biết loại nào làm được đàn, loại nào tạo được sáo. Ông Kỉnh là người con duy nhất của cụ thừa hưởng được cả năng khiếu, đam mê và kinh nghiệm của người cha. Và dĩ nhiên, ông cũng là người duy nhất giữ được nghiệp đàn "gia truyền". Tính đến nay, ông Kỉnh chơi đàn cũng 40 năm có lẻ.

Ông Kỉnh mê đàn lắm. Thời trẻ trai, ông bôn ba tứ xứ làm ăn, nhưng đi đâu cũng cặp kè cây nhị. Lấy vợ rồi lập trang trại làm ăn ở quê, công việc bận rộn nhưng đêm nào cũng lấy nhị ra kéo. Trang trại phá sản, ông lại lang bạt lên Hà Nội mưu sinh nơi góc chợ Thành Công. Nhưng những nỗi lo toan cơm áo hằng ngày không làm mai một tình yêu ấy. Những đêm buồn bã, nhớ quê hương ông lại mang đàn ra. Tiếng đàn nỉ non, rung lên bần bật giữa đêm khuya càng làm cho không gian thêm u sầu. Vài người hàng xóm ban đầu rất khó chịu kiểu chơi đàn ấy của ông. Nhưng rồi dần dần, họ lại đâm ra thích thú. Nhiều người trong khu tập thể, đặc biệt là các cụ già, bắt đầu có thói quen đến nhà ông để nghe những tiếng đàn mang hơi thở của đồng quê, dân dã như một cách hồi tưởng lại tuổi thơ.

Thế rồi biết ông chế đàn giỏi, một số người đặt mua những cây đàn, cây sáo mà ông mang từ quê ra. Cơ duyên làm đàn cũng được khơi lên từ đó. Để làm đàn, ông phải lặn lội về tận quê nhà Nhuế Dương lùng tìm gỗ tốt, chở ra Hà Nội xử lý rồi chế tác. Ông làm đàn rất nhanh. Mỗi cây ghi ta, đàn bầu, đàn nhị, đàn tính, tỳ bà… chỉ mất hai hoặc ba ngày, đàn tranh chỉ mất một tuần, dài lắm thì nửa tháng. Còn sáo thì có thể khoét một ngày vài chục chiếc. Tưởng ông dành cả ngày đục đẽo, ai dè mỗi ngày ông chỉ có 2 giờ để làm đàn. Bởi từ sáng đến tối lúc nào cũng tất bật phụ giúp vợ những công việc mưu sinh như bán cháo, bán quần áo, trông xe, xay bột… Và tất cả mọi công đoạn đều chỉ do mình ông làm và làm hoàn toàn thủ công, không qua bất cứ một loại máy móc nào.

Đàn vừa "chất" vừa độc đáo

Theo ông Kỉnh, quyết định chất lượng đàn là gỗ. Mỗi loại đàn thích hợp với một loại gỗ khác nhau, nhưng tựu trung gỗ làm đàn phải là loại không có dầu, mềm, dễ uốn, ít cong vênh như ngô đồng, thông, vông, lát hoa… Để làm đàn, trước tiên phải xử lý gỗ bằng cách ngâm nước, phơi sương phơi nắng "đủ liều". Sau đó uốn gỗ làm hộp đàn. Kỹ thuật uốn được gói gọn trong bốn chữ "dưới lạnh trên nóng", tức là uốn bằng nhiệt - kỹ thuật uốn của các cụ ngày xưa. Hộp đàn phải được làm tỉ mỉ để bảo đảm tròn tiếng và bền chắc. Muốn vậy thì phải sử dụng gỗ nguyên khối để làm hộp đàn, những chỗ yếu phải được gia công thêm, đóng đanh tre cho chắc chắn để ngay cả khi va đập cũng không bị vỡ. Ông Kỉnh cho biết thêm những loại hộp đàn làm bằng gỗ ép, rất nhanh hỏng, chỉ treo tường một thời gian đã mục nát vì khí hậu nóng ẩm. Chỉ tay vào cây đàn ghi ta đang treo ngoài hiên cửa, ông Kỉnh cho biết đã đập nát hàng trăm hộp đàn của những người đem tới sửa chữa vì chất gỗ quá tệ. "Giờ nhiều nơi làm đàn rất cẩu thả, không để ý gì đến chất lượng. Vì lợi nhuận cả mà, chỉ thiệt người chơi thôi", ông Kỉnh chia sẻ.

Với ông Kỉnh, làm đàn là một thú vui nhiều hơn là một nghề. Vì thế, ông làm đàn rất nhàn nhã. Không bao giờ ông nhận đặt hàng. Ông làm cả chục chiếc treo ở quán, khách đến ưng cái nào thì lấy cái đó. Ông bảo "Nếu nhận lời đặt hàng thì nhiều khi, dù không đúng mong muốn, khách vẫn phải lấy hàng. Đó là một cách ép nhau. Mà tôi thì không thích ép ai cả. Chỉ theo ý thích mà thôi". Chính vì thế đàn do ông làm ra rất thật, rất chất. Ông đã bán hàng trăm chiếc đàn nhưng gần như không có ai quay lại sửa chữa. Ông tự tin rằng đàn mình làm ra có tuổi thọ hàng chục năm là ít. Mà giá bán lại rất rẻ nếu so với thị trường. Thông thường một cây đàn tranh ngoài thị trường có giá 2 - 3 triệu đồng, thậm chí cả chục triệu đồng nhưng ông bán cao nhất chỉ là 1,5 triệu đồng. Loại đàn nhị, ghi ta, tỳ bà… chỉ có giá vài trăm nghìn đồng.

Những năm gần đây, ngoài làm đàn truyền thống, ông Kỉnh còn mày mò "nâng cấp" đàn. Và những nâng cấp đó của ông đã tạo ra không ít sản phẩm rất độc đáo. Chẳng hạn như với cây đàn bầu, loại truyền thống chỉ có một hộp đàn, âm rất nhỏ. Người ta nói "lắng tai nghe tiếng đàn bầu" là vì thế. Nhưng đàn bầu do ông chế ra có tới ba hộp đàn, âm thanh to gấp 3 lần đàn truyền thống. Giữa phố xá ồn ào người ngồi ngoài xa vẫn có thể nghe thấy tiếng đàn. Âm thanh của cây đàn bầu mới này còn tròn hơn, ngân hơn cây đàn bầu cũ. Ngoài đàn bầu ông Kỉnh cũng nâng cấp đàn tranh từ 16 lên 19 dây. Việc thêm 3 dây vào khiến cho việc chơi đàn tranh trở nên biến hóa hơn, vì đã thêm 10 nốt nhạc so với đàn truyền thống.

Đời làm đàn mấy mươi năm của ông Kỉnh buồn vui nhiều kỷ niệm. Nhưng đáng nhớ nhất là nhờ ngón đàn mà ông được trao truyền một báu vật. "Ngày đó có một cụ già đến nhờ tôi sửa cây đàn nguyệt. Cây đàn này vốn là của một nghệ nhân, trước khi qua đời đã tặng lại cho ông cụ. Ông cụ lại dùng nó thêm mấy chục năm nữa. Đến khi tôi sửa thì cây đàn đã có tuổi thọ gần 100 năm. Điều bất ngờ là sau khi sửa xong, cụ già đã không nhận lại cây đàn mà tặng nó cho tôi. Giờ ông cụ đã mất, chiếc đàn trở thành một kỷ niệm vô giá. Bao nhiêu người đến gạ mua với giá rất cao nhưng tôi kiên quyết không bán. Vì đó là cây đàn tri âm", ông Kỉnh chia sẻ.

Cũng nhờ ngón đàn điêu luyện mà ông Kỉnh có cơ duyên quen với những người bạn nhạc đất Kinh thành và được học hỏi nhiều kinh nghiệm quý giá từ họ. Một trong những người bạn ấy là ông Lý Mộc Dưỡng. Nhờ ông Dưỡng, ông Kỉnh đã học được cách khoét sáo, tạo nên những cây sáo có chất lượng cao. Đôi bạn già ấy ngày thường vẫn qua lại với nhau, đàm đạo bên tách trà về sáo, về đàn, về nhạc, về đời như đôi bạn tri kỷ. Nói về những tháng ngày sắp tới, ông Kỉnh cho biết sẽ dành thời gian hoàn thiện chiếc đàn mới cho việc hát ca trù. Gõ tay lên một hộp đàn rất lớn hình chiếc thuyền, ông Kỉnh tự hào: "Đây là cây đàn mới toanh, chưa từng có. Có nó rồi, việc hát ca trù sẽ trở nên đặc sắc hơn…".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếng đàn gọi bạn tri âm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.