(HNM) - Vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại chung cư Carina Plaza (quận 8, TP Hồ Chí Minh) khiến 14 người thiệt mạng và gần 100 người khác bị thương là tiếng chuông báo động đỏ đối với công tác phòng cháy, chữa cháy tại các tòa chung cư hiện nay.
14 người chết, 91 người bị thương
Rạng sáng 23-3 đã xảy ra vụ cháy tầng hầm chung cư Carina Plaza, tại số 1648 đường Võ Văn Kiệt (phường 16, quận 8, TP Hồ Chí Minh). Theo Thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc phụ trách Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (PCCC) TP Hồ Chí Minh, Cảnh sát PCCC nhận tin báo lúc 1h27 sáng 23-3 và lực lượng chữa cháy có mặt lúc 1h34 cùng ngày với 34 xe chuyên dụng cùng hơn 200 cán bộ, chiến sĩ. Lực lượng PCCC trực tiếp cứu hộ, cứu nạn hơn 100 nạn nhân và hướng dẫn hàng trăm người dân thoát khỏi đám cháy.
Lực lượng cứu hỏa hỗ trợ nạn nhân trong vụ cháy tại chung cư Carina Plaza. Ảnh: Lê Trai |
Thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng cho biết, sự cố xảy ra ở tầng hầm, khu để xe với diện tích 300m2 khiến 14 người chết, 13 ô tô và 150 xe máy bị cháy. Theo báo cáo khẩn của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, tính đến tối 23-3, đã có 91 người bị thương được cấp cứu. Hầu hết các nạn nhân là phụ nữ, trẻ em và người già với các chấn thương nặng do tháo chạy, nhảy xuống từ các tầng cao của chung cư và ngạt khí. Theo cơ quan chức năng, đây là vụ cháy làm chết nhiều người nhất tại TP Hồ Chí Minh trong vòng hơn một thập kỷ qua.
Ngay hôm qua, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi làm việc khẩn với UBND thành phố, Công an thành phố, Cảnh sát PCCC và Quận ủy quận 8. Tại buổi làm việc, theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, đám cháy từ tầng hầm và xuất phát từ 1 chiếc xe. Tuy nhiên công tác cứu hộ ban đầu đã không kịp thời. Mặt khác, do hệ thống cửa ngăn cháy đã bị chèn không đóng được nên khí độc và hơi nóng từ tầng hầm bốc lên tới tầng 14. Ngoài ra, cửa ngăn khói ra lối thoát hiểm bị người dân chèn mở ở tất cả các tầng; một số tầng không có đèn tín hiệu báo lối thoát hiểm. Hiện công an đang tập trung lực lượng phối hợp với Trung tâm Pháp y thực hiện nhanh việc giám định nạn nhân tử vong.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng tới hiện trường vụ cháy. Lãnh đạo thành phố yêu cầu Cảnh sát PCCC, Công an thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan; làm rõ việc chuông báo cháy của chung cư không hoạt động hay người có trách nhiệm báo chuông không làm việc, không thông báo khi sự cố xảy ra, rà soát lại quy trình xử lý sự cố cháy nổ ở chung cư, báo cáo trước ngày 26-3.
Điều khiến người dân càng bức xúc hơn bởi chỉ 7 tiếng trước khi vụ cháy xảy ra, vào lúc 17h45 chiều 22-3, đã có cuộc đối thoại giữa cư dân và Trưởng ban Quản lý về việc thang máy chung cư này bị kẹt, nút bấm khẩn cấp không hoạt động, việc tầng hầm cho thuê làm kho hàng rất dễ xảy ra cháy nổ, bảo vệ thường hút thuốc trong hầm giữ xe...
Hồi chuông báo động
Hậu quả đau lòng của vụ cháy là hồi chuông khẩn cấp cảnh tỉnh cả chủ đầu tư chung cư, cơ quan chức năng và người dân. Theo đại diện Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh, trong quý I-2018, đơn vị này đã kiểm tra 189 lượt chung cư trên toàn thành phố. Qua đó phát hiện nhiều chung cư vi phạm các lỗi như: Không bảo trì, bảo dưỡng hệ thống báo cháy; các trụ nước chữa cháy không hoạt động...
Một thực tế khác, theo ông Lý Thanh Long, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, sau khi hoàn thiện chung cư, trước khi đưa dân vào ở phải được các cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu, trong đó có hệ thống báo cháy và chữa cháy. Đây là hệ thống bắt buộc phải lắp đặt nhằm mục đích phòng tránh cháy nổ và chữa cháy khi có sự cố xảy ra. Vì thế vai trò của công tác báo cháy và chữa cháy tại chỗ vô cùng quan trọng. Nếu hệ thống PCCC được bảo đảm, hầu hết các đám cháy có thể được phát hiện sớm và dập tắt dễ dàng mà không cần đến lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hệ thống PCCC tại nhiều chung cư chưa được chú trọng, nhiều vi phạm vẫn xảy ra...
Trong khi đó theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Giám đốc Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, chế tài với những vi phạm về an toàn PCCC hiện nay chủ yếu là xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo, phạt tiền, nhưng mức phạt còn quá thấp, chưa đủ tính răn đe. Do đó, nhiều chủ đầu tư vì lợi nhuận trước mắt mà lơ là trách nhiệm về an toàn PCCC dẫn đến những hậu quả khó lường. Nếu các vi phạm không được xử lý nghiêm thì hậu quả sẽ còn tiếp diễn...
Được biết, ngày 23-3, Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiến hành kiểm tra hiện trạng sự cố đề xuất hướng dẫn các giải pháp di dời người dân, tài sản khỏi công trình bảo đảm an toàn cho người và công trình cũng như các công trình lân cận. Bộ Xây dựng cũng đề nghị các đơn vị chức năng thuộc Bộ phối hợp với Sở Xây dựng các địa phương tổ chức tiến hành rà soát các công trình tương tự đã được đưa vào khai thác sử dụng để yêu cầu các chủ đầu tư công trình có giải pháp khắc phục bảo đảm an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.