(HNM) - Nhằm tạo điểm nhấn, kích cầu ngành Du lịch tại địa phương có điều kiện phát triển, thu hút khách đến tham quan di tích lịch sử Cổ Loa, năm 2002, UBND TP Hà Nội đã quyết định đầu tư xây dựng chợ du lịch - văn hóa tại xã Cổ Loa (Đông Anh).
Năm 2005, việc thi công hoàn thiện, chợ được bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý, khai thác. Nhưng, do giá thuê mặt bằng quá cao nên 10 năm nay chợ vẫn chưa thể hoạt động; trong khi các hạng mục công trình ngày càng xuống cấp trầm trọng, gây lãng phí…
Chợ Cổ Loa được xây dựng trên khuôn viên đất rộng khoảng 3.000m2, bao gồm hai dãy ki ốt và một nhà hai tầng, xung quanh có hệ thống tường bao, trang trí bắt mắt. Tháng 4-2005, việc thi công, xây dựng hoàn thiện, chợ chính thức được đưa vào sử dụng. Thế nhưng, vì giá cho thuê mặt bằng khá cao (9-11 triệu đồng/m2); bên cạnh đó, công năng của chợ chỉ cho phép bày bán các đồ vật dụng, lưu niệm phục vụ khách đến tham quan nên từ đó đến nay người dân vẫn thờ ơ. Theo ý kiến của một số tiểu thương kinh doanh tại chợ Sa (cũ) thì hằng ngày họ chỉ quen buôn bán thực phẩm cùng các vật dụng thiết yếu phục vụ cho đời sống. Nếu vào chợ họp, họ không biết buôn bán cái gì cho phù hợp với mục đích kinh doanh của chợ…
Không mặn mà với việc vào chợ, buôn bán tập trung nên hàng trăm tiểu thương ở chợ Sa, sau khi rời chợ để nhường chỗ cho việc xây dựng chợ mới, mạnh ai người nấy đã tự tìm cho mình một khoảng đất trống hai bên đường Cổ Loa để tiếp tục buôn bán. Tình trạng này không chỉ gây mất vệ sinh môi trường, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan cũng như việc đi lại của khách du lịch mỗi khi đến tham quan di tích lịch sử Cổ Loa. Ðể giải quyết vấn đề này, đầu năm 2012, UBND huyện Ðông Anh đã bỏ ra hơn 1 tỷ đồng (trong đó, gần 270 triệu đồng do người dân đóng góp) để xây dựng điểm họp chợ mới trên diện tích rộng 4.212m2, nằm cách chợ Cổ Loa khoảng 300m.
Điều đáng nói, tuy chợ mới xây có nền bê tông cao ráo, được lắp đặt mái che; khu vệ sinh, bể nước và hệ thống phòng cháy chữa cháy đầy đủ, nhưng người dân vẫn không chịu vào chợ. Chỉ họa hoằn một tháng mấy ngày chợ phiên là lác đác có người vào họp, còn thường nhật tất cả vẫn tùy tiện, tự do bày biện hàng hóa, buôn bán bên đường. Vậy mà, lý giải vấn đề này với phóng viên, ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Loa vẫn viện lý do: "Vì người buôn bán ở đây chủ yếu là nông dân, hằng ngày họ chỉ tranh thủ bán vài mớ rau, con cua, con cá hoặc nhà nào có gì bán nấy. Ban Quản lý chợ có thu phí một vài nghìn, họ cũng xót ruột như mất một khoản tiền lớn. Vì thế chúng tôi rất khó xử lý vi phạm"…
Cũng cần nói thêm, do 10 năm không người vào họp nên hiện nay chợ Cổ Loa đang xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Theo quan sát của phóng viên, cả khu chợ 2 tầng trước đây được xây dựng khang trang, bề thế đến vậy, nhưng nay bước vào bên trong là một khung cảnh đổ nát. Ngay từ lối cổng chính đi vào đã ngập đủ các loại rác thải của người dân vứt bỏ. Sân trước cũng là nơi để phế thải, vật liệu xây dựng của các hộ gia đình sống quanh khu vực. Hai dãy ki ốt, toàn bộ hệ thống cửa xếp đã hoen gỉ, mục nát, trên mái cỏ mọc um tùm. Khuôn viên bên cạnh và đằng sau khu nhà chính thì la liệt những khối bê tông chất thành đống cao. Cửa vào nhà chính hỏng khóa, kính vỡ nham nhở, bên trong bàn ghế gãy đổ lỏng chỏng, mạng nhện giăng đầy trần và cửa sổ. Tường thì ẩm thấp, rêu phủ loang lổ, cả tầng 1 và tầng 2 gần như không được dọn dẹp, bụi đất dày phủ khắp nơi. Hệ thống điện không thể sử dụng, thậm chí bảng điện còn biến thành nơi để rác, vài dây điện vắt ngang dọc, rất nguy hiểm. Đáng ngại hơn, do bị bỏ hoang lâu ngày nên hiện nay nhiều mảng trần nhựa của khu chợ bung ra lộ rõ cốt bê tông, sắt thép, dây điện…
Được biết, từ khi hoàn thiện đến nay chợ Cổ Loa chỉ duy nhất một lần được Tổng công ty Thương mại Hà Nội mượn địa điểm để tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn vào dịp đón tết Nguyên đán năm 2011. Theo ông Nguyễn Quốc Trung, Chủ tịch UBND xã Cổ Loa, chính quyền rất muốn thay đổi công năng của chợ để phục vụ nhu cầu mua bán của người dân, nhằm tránh tình trạng lãng phí tài sản. Thế nhưng, hiện nay đề nghị của xã chưa được UBND thành phố chấp thuận.
Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả mặt bằng chợ, ngày 11-12-2014, UBND huyện Đông Anh đã phê duyệt phương án chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ du lịch - văn hóa Cổ Loa. Tới đây, UBND xã sẽ tiếp tục tổ chức đấu thầu, lựa chọn các tổ chức, doanh nghiệp có năng lực vào quản lý, khai thác chợ…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.