(HNM) - Bị lấy cắp tài khoản khi rút tiền ở máy ATM, tiền trong tài khoản thẻ tín dụng bỗng dưng “bay hơi” ở nước ngoài trong khi chủ thẻ và thẻ vẫn ở Việt Nam... Hay gần đây nhất là việc khách hàng bị mất tiền vì cung cấp số tài khoản, mật mã cho kẻ gian hoặc vào trang mua sắm không đáng tin cậy trên điện thoại di động.
Trước hàng loạt vụ việc kể trên, các ngân hàng đã phải tăng cường biện pháp bảo mật nhằm bảo đảm an toàn cho người dùng thẻ. Nhưng trước hết chính khách hàng cũng cần tự biết cách bảo vệ mình, nên thận trọng trước các giao dịch qua mạng…
Thời gian qua không còn xuất hiện các chiêu như cài thiết bị tại máy ATM, lập trang web mua sắm để người dùng cung cấp số tài khoản và mật khẩu, từ đó dễ dàng ăn cắp… Thế nhưng, những đối tượng này chuyển sang gọi điện cho người dùng, xưng danh là cơ quan quản lý nhà nước đang điều tra tình hình tài chính để người dùng cung cấp tài khoản ngân hàng, mật khẩu và cả mã OTP (mật khẩu được sử dụng một lần cho từng giao dịch qua ngân hàng điện tử), để sau đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Ông Nguyễn Thành Long, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, không một ngân hàng nào yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin chỉ thuộc về khách hàng như mật khẩu, mã OTP. Bởi đây là lớp bảo mật cuối cùng và chỉ được gửi riêng cho chính khách hàng. Vì vậy, nếu chia sẻ OTP với bất cứ ai khác sẽ giúp họ dễ dàng chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Do đó, nếu có ai đó gọi điện yêu cầu cung cấp những thông tin này, chắc chắn đó là đối tượng lừa đảo. Vì vậy, khách hàng không được cung cấp thông tin bảo mật ngân hàng, đặc biệt là OTP cho người khác, để tránh bị rủi ro.
Một chiêu khác mà những kẻ gian hay sử dụng để lừa đảo là gửi trực tiếp tin nhắn hoặc email cho khách hàng kèm đường link (liên kết) dẫn tới trang web. Khi khách hàng truy cập vào đường link có thể giúp kẻ gian thâm nhập được các thông tin trong thiết bị di động của khách hàng. Hiện nay, hầu hết người dùng đều có điện thoại thông minh và thường xuyên tải những ứng dụng di động mới bằng tài khoản thẻ tín dụng ngân hàng. Để đề phòng bị ăn cắp tài khoản, người dùng cần đọc kỹ và chắc chắn về việc cho phép các ứng dụng đó có quyền truy cập những dữ liệu gì.
Các khuyến cáo của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đăng tải trên website liên tục cảnh báo người dùng cẩn thận trước những đường link giả mạo của tin tặc. Vì sau khi lấy được những thông tin này, tội phạm sẽ sử dụng để mua hàng, thanh toán dịch vụ trên mạng hoặc thậm chí in thẻ giả với những thông tin tương tự để mua sắm, rút tiền…
Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), các vụ mất tiền trong thẻ ngân hàng chưa phải do lỗ hổng về hacker của hệ thống ngân hàng, mà hầu hết là do bị lợi dụng trong quá trình giao dịch, người dùng để lộ mật khẩu nên bị kẻ gian đánh cắp tiền. Ông Nguyễn Đình Thắng cũng khuyến cáo: “Với các giao dịch thanh toán, đặc biệt là thanh toán online, quốc tế rất dễ bị lộ thông tin thẻ. Hiện nay, có những trang web rao bán cả triệu thông tin thẻ Visa hay Master Card để lấy tiền. Do đó, người dùng phải luôn cẩn trọng trước các giao dịch, đặc biệt là giao dịch với bên thứ 3 hay thanh toán trực tuyến”.
Về phía cơ quan chức năng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành những quy định liên quan đến việc phát hành sử dụng thẻ hay những quy trình xử lý khi xảy ra những việc như mất thẻ hay lộ thông tin. Khi có vụ việc xảy ra, Ngân hàng Nhà nước đều chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải chủ động phối hợp với khách hàng cũng như các đơn vị liên quan để sớm giải quyết, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của khách hàng. Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến nghị khách hàng khi phát hiện dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho tổ chức tín dụng và cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn rủi ro.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.