(HNM) - Cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ và các nhóm vũ trang sắc tộc của Myanmar diễn ra hai ngày 4 và 5-11 đã khép lại mà không đạt được thỏa thuận nào nhằm tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn trên toàn quốc.
Kết quả không mong đợi của cuộc đối thoại hòa bình đầu tiên giữa Chính phủ Myanmar cùng đại diện 15 trong tổng số 17 nhóm vũ trang sắc tộc diễn ra tại Myitkyina - thủ phủ bang miền Bắc Kachin - cho thấy những nỗ lực nhằm ổn định quốc gia vừa bước vào tiến trình cải cách này vẫn còn nhiều trắc trở phía trước.
Các vụ bạo lực tôn giáo đang cản trở nỗ lực ổn định, phát triển đất nước Myanmar. |
Trong lịch sử Myanmar, bạo lực do xung đột tôn giáo đã trở thành một vấn đề gây chia rẽ rất lớn và khiến chính quyền vô cùng "đau đầu". Ngay cả sau khi đất nước Đông Nam Á công bố những chính sách cởi mở hơn để theo đuổi thể chế dân chủ, các vụ đụng độ liên quan đến sự khác biệt tôn giáo vẫn tiếp tục bùng phát, đặc biệt mạnh mẽ tại bang Rakhine, miền Tây Myanmar kể từ năm 2012 giữa những người theo Phật giáo và Hồi giáo. Không chỉ khiến hàng trăm người thiệt mạng, bạo lực còn khiến khoảng 140.000 người, chủ yếu là người Hồi giáo phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Song song với đó là những vụ tấn công khủng bố ngày một táo tợn. Mới đây nhất là 9 vụ đánh bom liên tiếp hồi đầu tháng 10-2013 nhằm vào Trung tâm Thương mại Yangon và 4 thành phố khác khiến 3 người chết, 10 người bị thương. Một số ý kiến cho rằng Chính phủ của Tổng thống U Thein Sein - từ khi lên nắm quyền năm 2011 sau nửa thế kỷ cầm quyền của quân đội - đã không hành động quyết liệt để bảo vệ người Hồi giáo, lực lượng chiếm khoảng 4% trong tổng số khoảng 60 triệu người Myanmar.
Trong bối cảnh đó, cuộc đối thoại hòa bình đầu tiên diễn ra tại Myitkyina vừa qua giữa chính phủ và tập hợp phần lớn các nhóm sắc tộc vũ trang - tiếp nối một hội nghị giữa lãnh đạo của các nhóm này diễn ra ngày 2-11 tại thị trấn Laiza thuộc bang Kachin - được dư luận đặt nhiều kỳ vọng. Mặc dù không đạt được kết quả đáng kể nào, song các bên đã tái khẳng định cam kết tiếp tục tiến trình hòa bình thông qua một lệnh ngừng bắn trên toàn quốc; đồng thời, soạn thảo một khuôn khổ cho đối thoại chính trị và cuối cùng là tổ chức cuộc đối thoại chính trị. Tại cuộc gặp mới nhất, đại diện cả hai phía đều xác nhận rằng không thể đạt được thỏa thuận ngừng bắn trên toàn quốc ngay trong tháng 11 này như kế hoạch ban đầu của chính phủ. Vì thế, tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp chỉ cho biết vòng đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra tại Hpa-an thuộc bang Kayin miền Đông nam nước này vào một ngày chưa xác định trong tháng tới.
Kể từ khi đắc cử năm 2011 tới nay, chính quyền của Tổng thống U Thein Sein đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn với 14 nhóm sắc tộc, trong đó có các lực lượng nổi dậy lớn như Liên minh dân tộc Karen. Việc ký kết một thỏa thuận với tất cả các nhóm sắc tộc vũ trang sẽ là một bước quan trọng tiến tới giai đoạn cuối cùng trong tiến trình hòa bình mà nhà lãnh đạo Myanmar quyết tâm theo đuổi. Đây là giai đoạn đối thoại chính trị quan trọng nhằm đạt được một khuôn khổ hòa bình lâu dài cho xứ sở Ngọc bích. Trong một phát biểu mới đây, Tổng thống U Thein Sein bày tỏ hy vọng các bên đối thoại liên quan sớm đạt được thỏa thuận nền tảng này để xây dựng một nền hòa bình bền vững ở Myanmar. Tổng thống U Thein Sein một lần nữa nhấn mạnh, kế hoạch ký thỏa thuận ngừng bắn trên toàn quốc được thúc đẩy theo chính đề xuất của các nhóm vũ trang sắc tộc. Vì thế, trong tiến trình hòa bình hiện tại, Chính phủ không áp đặt bất cứ điều kiện tiên quyết nào. Tuy nhiên, việc hai bên chưa thể đạt được đồng thuận cho thấy vẫn còn cần hơn nữa những nỗ lực xây dựng lòng tin.
Sau một thời gian dài duy trì chính sách đối ngoại tương đối khép kín, Myanmar đã tạo nên "cơn sốt" đầu tư khi hàng loạt dự án có giá trị đổ về đất nước được xem là thị trường tiềm năng của Đông Nam Á. Tuy nhiên, nếu những bất đồng tôn giáo không được giải quyết mà tiếp tục xấu đi, các kế hoạch phát triển và gia nhập nền kinh tế toàn cầu của Nay Pyi Taw chắc chắn không thể được như ý. Vì vậy, việc sớm ký kết thỏa thuận ngừng bắn sẽ là điều kiện tiên quyết để Myanmar bảo đảm an ninh và góp phần tạo lòng tin cho các nhà đầu tư, giúp nước này hiện thực hóa mục tiêu trở thành một điểm đến hấp dẫn tại khu vực Đông Nam Á năng động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.