(HNM) - Hơn 2 tháng kể từ khi quân đội các quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn đầu thực hiện lộ trình rút khỏi Afghanistan, tình hình tại đất nước Tây Nam Á này bắt đầu có những chuyển biến theo chiều hướng bất ổn. Việc các tay súng Taliban liên tục mở rộng địa bàn kiểm soát đang có nguy cơ làm chệch hướng tiến trình đối thoại và hòa giải chính trị, đẩy Afghanistan vào một cuộc nội chiến mới.
Trong cuộc đàm phán được tổ chức tại thủ đô Tehran (Iran) cách đây ít ngày, các phái đoàn của Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban đều khẳng định, chiến tranh không phải là giải pháp cho vấn đề và tất cả các nỗ lực cần hướng tới việc đạt được một giải pháp chính trị và hòa bình. Tuy nhiên, diễn biến trên thực địa tại đất nước Tây Nam Á này hoàn toàn trái ngược. Những ngày gần đây, giao tranh diễn ra ác liệt, sau khi các tay súng Taliban tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn vào Qala-i-Naw, thủ phủ của tỉnh Badghis, đồng thời đưa hàng nghìn quân tới khu vực biên giới giáp Tajikistan. Trong một tuyên bố mới nhất, nhóm phiến quân này cho biết đã kiểm soát hơn 85% lãnh thổ Afghanistan.
Theo các nhà phân tích, bạo lực leo thang sẽ "phủ bóng" tiến trình đàm phán giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban, được khởi động từ tháng 9-2020. Mặc dù chính quyền Kabul và lực lượng Taliban đã có các cuộc thảo luận xung quanh việc sửa đổi Hiến pháp, chính phủ tương lai cũng như các điều khoản ngừng bắn, song gần như chưa đạt được nhất trí nào, bởi kỳ vọng của mỗi bên về cơ bản là khác nhau.
Nhiều thành phần cực đoan trong Taliban luôn cho rằng ý tưởng giảm các vụ tấn công bạo lực có thể đồng nghĩa với việc lực lượng Afghanistan sẽ tìm cách mở rộng ảnh hưởng, chứ không hẳn là nhằm đạt được hòa bình. Nói cách khác, việc giảm bạo lực có thể khiến Taliban giảm lợi thế trên bàn đàm phán. Bên cạnh đó, Taliban sẽ không từ bỏ mục tiêu tái lập một "Tiểu vương quốc Hồi giáo" tại khu vực.
Ngay trong chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani cũng nảy sinh mâu thuẫn nội bộ về vấn đề chia sẻ quyền lực và cho phép các thành viên Taliban tham gia chính phủ lâm thời. Nhiều ý kiến lo ngại, Taliban có thể tìm cách củng cố và mở rộng quyền kiểm soát hơn nữa thông qua việc tận dụng quy trình bầu cử. Phản ứng trước những diễn biến đáng lo ngại nói trên, Tổng thống Ashraf Ghani khẳng định, quá trình chuyển tiếp chính trị tại quốc gia Tây Nam Á này "hiện đang ở giai đoạn phức tạp nhất".
Sau gần 20 năm kể từ khi Mỹ và đồng minh đưa quân vào Afghanistan, lật đổ chính quyền Taliban, bạo lực và bất ổn vẫn bao trùm đất nước này. Thống kê của Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA) cho biết, trong 3 năm gần đây, các vụ xung đột đã khiến hơn 395.800 người dân Afghanistan phải rời bỏ nhà cửa. Kể từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình ngày càng xấu đi do bạo lực leo thang. Số thương vong đối với dân thường tăng 29% trong quý I-2021, với 573 người thiệt mạng, 1.210 người bị thương so với cùng kỳ năm 2020.
Afghanistan cũng đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng nhân đạo trầm trọng, với hơn 18,4 triệu người, tương đương hơn 1/3 dân số, cần hỗ trợ lương thực, thuốc men. Tư lệnh các lực lượng Mỹ và NATO tại Afghanistan Scott Miller vừa lên tiếng cảnh báo về rủi ro nội chiến ở quốc gia Tây Nam Á trong bối cảnh tình hình an ninh đang xấu đi. Ông S.Miller cũng tái khẳng định, chỉ có giải pháp chính trị mới kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan. Theo vị tướng 4 sao của Mỹ, những thắng lợi mà Taliban giành được gần đây rất đáng lo ngại.
Rõ ràng, tiến trình hòa bình do người Afghanistan dẫn dắt và làm chủ đang đối mặt với thử thách khắc nghiệt mà bạo lực leo thang khiến nguy cơ đổ vỡ ngày càng tăng. Sự nghi kỵ, chia rẽ sắc tộc và phe phái vốn đã rất sâu sắc có thể là nguyên nhân phá hủy những kỳ vọng hòa bình mà người dân đất nước này mong đợi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.